Trang chủ kinh-te Dệt may, da giầy giữ vững đơn hàng dù biến động thuế

Dệt may, da giầy giữ vững đơn hàng dù biến động thuế

bởi Admin
0 Lượt xem

Những đơn hàng ký mới đến tháng 9/2025 có thêm điều khoản: “cùng nhau chia sẻ rủi ro nếu thuế tăng”

Xuất khẩu vào Mỹ đang chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ sau thông báo tăng thuế từ Chính phủ Mỹ, không chỉ Việt Nam mà thị trường toàn cầu đã có những xáo trộn nhất định. Các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu đối mặt với nguy cơ giảm hoặc mất đơn hàng.

Sau thông báo hoãn áp thuế, rất nhiều đơn hàng đã quay trở lại, trong đó, nhiều đơn hàng dệt may, da giầy có thời hạn giao hàng ngay cả khi hết hạn hoãn thuế đối ứng của Mỹ.

Sau thông báo áp thuế đối ứng, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giầy đã nhận được thông báo trì hoãn đơn hàng gia công từ phía đối tác Mỹ. Nhưng các đối tác Châu Âu vẫn cam kết tăng đơn hàng.

Những đơn hàng ký mới đến tháng 9/2025 có thêm điều khoản: “cùng nhau chia sẻ rủi ro nếu thuế tăng”.

Ông Lê Hữu Đoàn – Giám đốc Công ty Giày Hồng Bảo, Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Các đơn hàng vẫn được nhận và ký. Trong năm nay yên tâm về các đơn hàng, mang về cho công ty việc làm bình thường”.

Sau thông báo tạm hoãn áp thuế từ Mỹ, các đơn hàng cũ đã được tiếp tục thực hiện và có thêm nhiều đơn hàng mới về với ngành dệt may. Dự kiến, sản lượng 6 tháng đầu năm vẫn ổn định và sẽ tăng dần vào cuối năm.

Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ: “Tất cả đơn hàng, thậm chí tăng thêm đơn hàng trong ba tháng tiếp theo để làm thế nào tránh việc những đơn hàng đã có kế hoạch đặt hàng, có kế hoạch bán hàng theo mùa vụ ở bên Mỹ, bây giờ họ lại yêu cầu Tổng Công ty May 10 sản xuất gấp, thậm chí có khả năng nhận thêm đơn hàng”.

50% hàng dệt may và 40% hàng da giầy của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ nhờ thế mạnh lao động có tay nghề tốt, giao hàng nhanh, có thể thực hiện các đơn hàng gấp. Hơn nữa, với mức thuế đối ứng này, đối tác khó chuyển đơn hàng sang các nước khác.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu ý kiến: “Chúng ta lo nhất vấn đề có cạnh tranh được với những nước trong top đầu xuất khẩu hàng dệt may ra thị trường thế giới và Mỹ hay không. Về vấn đề thuế quan, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn chủ động được. Từ năm 2025 – 2030, ngành dệt may vẫn đặt mức tăng trưởng từ 8-10%/năm”.

Kinh nghiệm từ lần tăng thuế này, ngành dệt may, da giầy cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro. Ngoài các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và EU, doanh nghiệp Việt có thể mở rộng sang các khu vực mới như Mỹ Latin và châu Phi. Hiện Chính phủ vẫn đang tích cực đàm phán với phía Mỹ để tạo thuận lợi các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan