Trang chủ kinh-te GDP quý I Trung Quốc tăng trưởng vượt kỳ vọng

GDP quý I Trung Quốc tăng trưởng vượt kỳ vọng

bởi Admin
0 Lượt xem

Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị cho tác động của thuế quan Hoa Kỳ – được cho rằng gây ra rủi ro lớn nhất đối với cường quốc châu Á này trong nhiều thập kỷ.

Năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc đạt 18,6 nghìn tỷ USD, tăng 5% so với năm trước và đạt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” mà Chính phủ nước này đề ra. Đây cũng là mục tiêu tăng trưởng mà Bắc Kinh đề ra cho năm 2025.

Tổng thống Donald Trump đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức cao ngất ngưởng, khiến Bắc Kinh phải áp thuế trả đũa đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà thị trường lo ngại sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu.

Dữ liệu vừa công bố sáng nay, 16/4 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5,4% trong quý I so với cùng kỳ năm trước, không đổi so với quý IV/2024, nhưng vượt kỳ vọng của các nhà phân tích là 5,1% theo khảo sát của Reuters,

Tuy nhiên, triển vọng này dự kiến ​​sẽ mờ nhạt hơn khi cú sốc thuế quan của Washington tác động đến động lực xuất khẩu quan trọng, gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi họ cố gắng duy trì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở trạng thái cân bằng và ngăn chặn tình trạng mất việc làm hàng loạt.

Phục hồi chưa đồng đều

Một loạt dữ liệu gần đây chỉ ra sự phục hồi kinh tế không đồng đều, với việc cho vay của ngân hàng vượt kỳ vọng và hoạt động của nhà máy tăng tốc. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và áp lực giảm phát dai dẳng đang làm gia tăng lo ngại về nhu cầu yếu.

Hơn nữa, các nhà phân tích cho biết sự gia tăng trong xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 3 – do các nhà máy đẩy nhanh quá trình vận chuyển để tránh mức thuế mới nhất của ông Trump – sẽ đảo ngược mạnh mẽ trong những tháng tới khi mức thuế nặng nề của Hoa Kỳ có hiệu lực.

Các nhà phân tích tại Societe Generale cho biết trong một lưu ý: “Trước khi cơn bão thuế quan ập đến, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể đã chậm lại nhưng vẫn vững chắc nhờ sự phục hồi của nhu cầu trong nước. Nhìn chung, báo cáo GDP sẽ cho thấy các biện pháp kích thích đang phát huy tác dụng, nhưng sự hỗ trợ sẽ không dừng lại ở đây khi có những thách thức lớn hơn về thuế quan sắp tới”.

Doanh số bán lẻ, thước đo chính về mức tiêu thụ, đã tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3 sau khi tăng 4,0% trong tháng 1 và tháng 2, trong khi tăng trưởng sản lượng nhà máy tăng nhanh lên 7,7% từ 5,9% trong hai tháng đầu tiên. Cả hai con số đều vượt dự báo của các nhà phân tích.

Cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, đến năm 2025, nền kinh tế dự kiến ​​sẽ tăng trưởng ở mức chậm lại là 4,5% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn so với tốc độ 5,0% của năm ngoái và không đạt được mục tiêu chính thức là khoảng 5,0%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng UBS đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2025 từ 4% xuống 3,4%, với giả định rằng mức tăng thuế quan Trung – Mỹ sẽ vẫn được duy trì và Bắc Kinh sẽ tung ra các biện pháp kích thích bổ sung.

Các nhà phân tích tại UBS cho biết trong một lưu ý: “Chúng tôi cho rằng cú sốc thuế quan đặt ra những thách thức chưa từng có đối với hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc và cũng sẽ gây ra sự điều chỉnh lớn trong nền kinh tế trong nước”.

Đủ không gian và công cụ để thúc đẩy nền kinh tế

Các nhà hoạch định chính sách đã nhiều lần nói rằng, Trung Quốc có đủ không gian và công cụ để thúc đẩy nền kinh tế và Thủ tướng Lý Cường đã cam kết đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ hơn trong tháng này.

Bắc Kinh đã coi việc thúc đẩy tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu trong năm nay khi họ cố gắng giảm bớt tác động của thuế quan của chính quyền ông Trump đối với lĩnh vực thương mại của nước này.

Trước đó, vào tháng 3, Trung Quốc đã công bố các biện pháp tài chính, bao gồm cả việc tăng thâm hụt ngân sách hàng năm. Các quan chức đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ hơn để đối phó với những trở ngại ngày càng tăng. Điều đó diễn ra sau một loạt các bước nới lỏng tiền tệ vào cuối năm ngoái.

Đến đầu tháng này, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc, với lý do nợ chính phủ tăng nhanh và rủi ro đối với tài chính công, cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách cân bằng khó khăn khi muốn mở rộng tiêu dùng để phòng ngừa suy thoái thương mại./.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan