Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết, Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đạt thỏa thuận với Trung Quốc, song Bắc Kinh phải là bên có động thái trước. Sức mạnh từ thị trường tiêu dùng của Mỹ có thể được Washington sử dụng như một đòn bẩy trong vấn đề này. Tuyên bố được đưa ra giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc vẫn đang liên tục gia tăng trong thời gian qua, với các biện pháp trả đũa lẫn nhau.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Trung Quốc đang phải cố gắng thích nghi. Tìm kiếm các thị trường mới, hoặc dành nhiều sự chú ý hơn tới thị trường nội địa là điều mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện.
Những biến động thuế quan trong thời gian gần đây đang là mối quan tâm hàng đầu của hơn 30.000 nhà triển lãm tham gia Hội chợ Quảng Đông – hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc. Mức thuế quan 145% của Mỹ đang khiến nhiều doanh nghiệp mất đi cơ hội tiếp cận thị trường từng nhập 440 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong năm ngoái.
Bà Candice Li – Giám đốc phụ trách tiếp thị, Công ty Conmo Electronic cho biết: “Đây có thể coi là vấn đề sống còn. Khoảng 60 – 70% hoạt động kinh doanh của chúng tôi là với thị trường Mỹ. Vì vậy, áp lực mà chúng tôi phải chịu là rất lớn”.
Trong lúc chờ đợi các giải pháp đàm phán, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chủ động mở rộng sang các thị trường xuất khẩu khác để giảm tác động tiêu cực từ thuế quan.
Bà Xiong Meilin – Giám đốc phụ trách bán hàng, Công ty Công nghệ Thông tin Dongguan Weidi chia sẻ: “Chúng tôi chắc chắn phải áp dụng các biện pháp tiếp cận hai hướng. Nhiều nhà cung cấp mà chúng tôi biết hiện đang chuyển hướng sang thị trường Nga và dĩ nhiên chúng tôi cũng cân nhắc làm điều đó. Xa hơn là hướng đến các thị trường khác trên toàn cầu”.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tại Trung Quốc đang phải cố gắng thích nghi
Bên cạnh việc mở rộng thị trường quốc tế, một sáng kiến là đưa các sản phẩm xuất khẩu cao cấp về thị trường trong nước đã được giới chức và các doanh nghiệp Trung Quốc phát động hồi đầu tuần này.
Ông Cai Wei – Phó Chủ tịch phụ trách thương hiệu và bán lẻ, Tập đoàn Esquel nêu ý kiến: “Trước đây, chúng tôi từng hướng đến mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm Trung Quốc cao cấp ra toàn thế giới. Nhưng hiện nay, chúng tôi còn cam kết mạnh mẽ hơn nữa để các thương hiệu Trung Quốc được mọi người dân trong nước đón nhận”.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 15/4 cũng đã lên tiếng kêu gọi cần có thêm nhiều biện pháp để mở rộng nhu cầu trong nước và giải phóng tiềm năng của thị trường tiêu thụ nội địa khổng lồ với hơn 1,4 tỷ dân. Các chuyên gia kỳ vọng, sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ được Bắc Kinh triển khai trong thời gian tới.
Ông Alex Muscatelli – Chuyên gia phân tích, Fitch Ratings nhận định: “Tầm quan trọng của xuất khẩu đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm dần, trong khi nhu cầu trong nước sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn. Quá trình chuyển dịch này sẽ được thúc đẩy nhờ các chính sách chủ động từ phía Chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi dự báo, chính sách tài khóa sẽ được nới lỏng hơn trong năm nay, với mức thâm hụt ngân sách dự kiến tăng lên. Bên cạnh đó, lãi suất có thể sẽ được cắt giảm. Các biện pháp này sẽ giúp định hướng lại tăng trưởng kinh tế, chuyển từ phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài sang thúc đẩy nhu cầu nội địa”.
Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử của Trung Quốc cũng đã công bố các biện pháp để hỗ trợ ngành xuất khẩu vượt qua giai đoạn khó khăn. JD.com cho biết, sẽ mua hơn 27 tỷ USD hàng hóa từ các nhà xuất khẩu nước này trong năm nay để bán tại thị trường nội địa. Hơn 10 nền tảng khác, trong đó có Alibaba – đã cam kết tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình để kết nối cung với cầu, giúp các nhà xuất khẩu tiếp cận và phát triển các sản phẩm phù hợp hơn với người tiêu dùng trong nước.
Nguồn: VTV