Để hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị, trong Phiên họp của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã đề xuất, kiến nghị nhiều cơ chế đột phá.
Chính sách ưu đãi tiếp cận vốn vay là điều mà hầu hết doanh nghiệp tư nhân nào cũng cần. Các chuyên gia, hiệp hội đề xuất cần có một quỹ riêng để các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận, thay vì yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hỗ trợ.
Ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia nêu ý kiến: “Nên có quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa vì họ thiếu nguồn lực. Bây giờ mà cứ yêu cầu ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất mãi thì không được và vì ngân hàng cũng là một doanh nghiệp”.
“Đã đưa ngân hàng vào hỗ trợ là chúng ta thất bại. Kinh nghiệm bao năm rồi, dù Thủ tướng có kêu gào hỗ trợ lãi suất, có năm hỗ trợ lãi suất đến 4 lần chỉ nhỏ nhỏ thôi… Cho nên tôi đề nghị nếu có hỗ trợ phải ngân sách Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói.
Ngoài vốn ưu đãi, điều mà các doanh nghiệp tư nhân cần là một cơ chế, thể chế thông thoáng thực sự. Tránh trường hợp tháo gỡ một cơ chế nhưng lại nảy sinh ra 2,3 cơ chế, giấy phép con khác.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT cho biết: “Tôi nghĩ trong Nghị quyết này cũng nên nói về những ai tạo ra giấy phép con, rải đinh cho doanh nghiệp hay gây phiền hà hay nhũng nhiễu cũng phải có trách nhiệm với Đảng, với đất nước”.
Các chuyên gia, hiệp hội đề xuất cần có một quỹ riêng để các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận, thay vì yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hỗ trợ. Ảnh minh họa.
Cho ý kiến về dự thảo đề án, Thủ tướng nêu rõ, Đề án cần phải đột phá hơn nữa, để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển với thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của đất nước.
Thủ tướng lưu ý Đề án phát triển kinh tế tư nhân phải gắn với tái cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp. Xác định rõ mối quan hệ giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác, đặt trong tổng thể của sự đột phá, đổi mới, phát triển đất nước. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Nguồn: VTV