Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình trạng bất ổn xung quanh chính sách thương mại, bao gồm cả căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Bà cho rằng việc giảm căng thẳng thuế quan gần đây đã tạm thời giảm bớt phần nào áp lực đối với thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, sự bất ổn kéo dài có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng toàn cầu, gây ra những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất.
Đầu năm nay, WTO dự đoán thương mại toàn cầu sẽ gia tăng trong năm 2025 và 2026, trong đó thương mại hàng hóa tăng trưởng tương đương với GDP toàn cầu và thương mại dịch vụ ghi nhận tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn.
Tuy nhiên, trong dự báo về thương mại toàn cầu được công bố ngày 16/4, WTO xác định rằng theo tình hình hiện tại, thương mại hàng hóa thế giới đang trên đà giảm 0,2% trong năm nay. Con số này, được tính toán dựa trên tình hình thuế quan vào ngày 14/4, đã thấp hơn gần ba điểm phần trăm so với mức tăng trưởng dự kiến nếu không có các mức thuế mà ông Trump áp đặt lên các quốc gia trên toàn cầu.
WTO cảnh báo rằng “những rủi ro tiêu cực nghiêm trọng” có thể khiến hoạt động thương mại “giảm sâu hơn nữa, ở mức 1,5% vào năm 2025, nếu tình hình xấu đi”. WTO cũng lưu ý rằng thương mại dịch vụ, mặc dù không trực tiếp chịu thuế quan, nhưng “cũng được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng bất lợi”. Thương mại dịch vụ toàn cầu hiện được dự báo sẽ tăng 4% – thấp hơn khoảng một điểm phần trăm so với dự đoán trước đó.
Ảnh minh họa – Ảnh: Getty Images.
WTO dự đoán tác động của thuế quan trong năm nay sẽ có sự khác biệt đáng kể ở các khu vực khác nhau. Theo WTO, trong bối cảnh chính sách hiện tại, Bắc Mỹ được dự đoán sẽ chứng kiến xuất khẩu giảm 12,6% và nhập khẩu giảm 9,6% trong năm 2025. Khu vực này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa thế giới năm 2025 giảm 1,7 điểm phần trăm, qua đó kéo con số tổng thể xuống mức âm. Trong khi đó, châu Á được dự báo sẽ có “mức tăng trưởng nhẹ”, với xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 1,6%. Xuất khẩu của châu Âu được dự đoán tăng 1% và nhập khẩu tăng 1,9%.
Bà Okonjo-Iweala đặc biệt lo ngại về khả năng sụt giảm mạnh trong thương mại song phương Mỹ-Trung, hiện được dự đoán sẽ giảm 81%. Bà cho rằng mức giảm này hầu như tương đương với việc tách rời hai nền kinh tế.
Mặc dù thương mại Mỹ-Trung chỉ chiếm khoảng 3% thương mại hàng hóa thế giới, nhưng bà Okonjo-Iweala cảnh báo rằng việc tách rời hai nền kinh tế này “có thể gây ra những hậu quả sâu rộng”. Bà bày tỏ lo ngại rằng điều đó có thể “góp phần gây ra sự phân mảnh rộng hơn của nền kinh tế toàn cầu”. Trong kịch bản đó, bà cho biết WTO ước tính GDP toàn cầu sẽ giảm gần 7% về lâu dài.
Nguồn: VTV