ECB giảm lãi suất nhằm ứng phó với chính sách thuế của Mỹ
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã giảm lãi suất cơ bản một lần nữa nhằm đối phó với các mối lo ngại về căng thẳng thương mại ngày càng tăng.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giảm lãi suất cơ bản từ 2,5% xuống còn 2,25%. Lần này thì lý do không còn liên quan đến lạm phát mà là để đối phó với các biện pháp thuế quan của Mỹ.
Đây là lần giảm lãi suất thứ 7 trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi lãi suất đạt đỉnh 4% cách đây khoảng một năm rưỡi. Tăng trưởng khu vực đồng Euro có thể xấu thêm mặc dù Eurozone đã xây dựng khả năng chống chọi trước các cú sốc toàn cầu.
Bà Christine Lagarde – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (Ảnh: AP)
Bất ổn trong chính sách thương mại và phản ứng không thuận lợi của thị trường có thể khiến niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp suy giảm. Điều này cùng với điều kiện tài chính thắt chặt có thể tác động xấu đến triển vọng kinh tế của khu vực đồng Euro. Lo ngại về thương mại có thể dẫn đến tình trạng giảm phát giá cả hàng hóa, giá bán hàng hoá giảm xuống sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất và cả người tiêu dùng.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nhắc lại rằng, các nước châu Âu phải hội nhập thương mại nhiều hơn, với cả các đối tác quốc tế và giữa các nước thành viên với nhau thì mới có thể bù đắp những tổn thất do thuế quan đơn phương gây ra.
Căng thẳng thuế quan gia tăng rủi ro thương mại toàn cầu
Không chỉ ECB, nhiều ngân hàng trung ương lớn khác cũng đang gặp khó trước áp lực thuế quan. Lựa chọn giữa cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng hay ưu tiên kiềm chế nguy cơ lạm phát do thuế quan đang là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách.
Sau 3 đợt cắt giảm liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2,75%. Dù dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trong quý I có thể ở mức âm, BOK vẫn phải hành động thận trọng để hỗ trợ đồng Won đang suy yếu, kiềm chế lạm phát và có thêm thời gian đánh giá tác động từ các biện pháp thuế quan của Mỹ.
Đây cũng là những lý do khiến một nền kinh tế lớn khác là Canada tạm dừng chuỗi 7 lần cắt giảm lãi suất liên tiếp bởi giới chức ngân hàng trung ương nước này vẫn thể chưa biết mức thuế quan nào sẽ được áp dụng và tác động ra sao.
Còn tại Mỹ, trong một bài phát biểu nhận được rất nhiều sự chú ý của giới đầu tư vào đêm 16/4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã bày tỏ những lo ngại rằng, thuế quan đang khiến FED rơi vào tình huống chưa từng có trong khoảng 50 năm qua và sự bất ổn này có thể gây ra các tổn thương kinh tế lâu dài.
“Tác động của thuế quan có thể đẩy chúng tôi ra xa khỏi các mục tiêu của mình. Kinh tế có thể chậm lại, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và lạm phát cũng có thể nóng lên, khi các mức thuế quan được áp dụng. Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ không đạt được tiến triển nào hoặc thậm chí bị đẩy lùi ra xa khỏi các mục tiêu ổn định thị trường việc làm và giá cả trong phần còn lại của năm nay” – ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, nhấn mạnh.

Ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Ảnh: AP)
Đó cũng là nỗi lo ngại được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chia sẻ. Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc WTO, cho biết: “Chúng tôi dự báo khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm 2025, thấp hơn gần 3 điểm phần trăm so với mức chúng tôi từng kỳ vọng. Nguyên nhân là do những thay đổi chính sách thương mại gần đây. Việc điều chỉnh giảm này phản ánh tác động tổng hợp từ các loại thuế mới được áp dụng và mức độ bất định gia tăng trong quan hệ thương mại với Mỹ. Việc tái áp dụng thuế quan có đi có lại sẽ khiến dự báo này giảm thêm 0,6 điểm phần trăm, đưa tốc độ tăng trưởng xuống còn âm 0,8%”.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala – Tổng Giám đốc WTO (Ảnh: AP)
Ông Ralph Ossa – Chuyên gia kinh tế trưởng, Tổ chức Thương mại thế giới – cho rằng: “Thương mại dịch vụ, dù không trực tiếp chịu thuế quan, cũng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Việc suy giảm thương mại hàng hóa sẽ làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ liên quan như vận tải và hậu cần. Đồng thời, tình trạng bất định kinh tế rộng hơn cũng dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch và đầu tư”.
Hoạt động thương mại trước áp lực thuế quan
Không chỉ dừng lại ở các cảnh báo, những tác động ban đầu từ thuế quan đến hoạt động thương mại đã có thể được cảm nhận được ở nhiều nơi, từ các cảng biển của Mỹ cho tới các trung tâm xuất khẩu hàng đầu tại châu Á.
Nếu như có nơi nào tại Mỹ đang cảm nhận được rõ ràng áp lực từ thuế quan, đó chắc chắn là cảng Long Beach ở bang California. Cảng container lớn nhất nước Mỹ dự kiến sẽ mất 20% khối lượng hàng hóa trong giai đoạn nửa cuối năm 2025 nếu các biện pháp thuế đối ứng của chính phủ diễn ra theo kế hoạch.
Ông Mario Cordero, Tổng Giám đốc điều hành Cảng Long Beach, cho biết: “Tôi nghĩ rằng mối lo ngại về hoạt động vận chuyển hàng hóa sụt giảm sẽ thực sự tăng lên trong tháng 5. Các nhân viên của chúng tôi hiện đã ghi nhận 17 chuyến tàu bị hủy bởi các hãng vận tải quốc tế”.
Có ít tàu cập cảng hơn đồng nghĩa với sẽ có ít việc làm hơn dành cho các thủy thủ, tài xế xe tải, nhân viên làm việc tại cảng. Nhiều người như ông Robert Spakowski không khỏi lo lắng về những gì sẽ diễn ra sắp tới.
“Sẽ chỉ có một số ít việc làm và rất nhiều người đang tìm việc. Các nhân viên điều phối tại nghiệp đoàn đã nói rõ, đây là một vấn đề đáng lo ngại. Nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng tôi. Hàng nghìn người lao động tại đây đang theo dõi tin tức hàng ngày, xem điều gì sẽ xảy ra” – ông Robert Spakowski, thủy thủ tàu thương mại, chia sẻ.
Cách đó hàng nghìn km, tại châu Á, những tín hiệu đáng lo ngại cũng dần xuất hiện. Xuất khẩu của Nhật Bản và Singapore dù vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kể trong tháng 3 nhưng chỉ bằng 1/3 mức tăng trưởng của tháng 2. Còn tại Trung Quốc, giá trị xuất khẩu tháng 3 vượt mức dự báo nhưng tình hình này được dự báo sẽ không kéo dài.
Ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao Ngân hàng Natixis, cho rằng: “Một số công ty đang đẩy nhanh tiến độ các đơn hàng để phòng ngừa thuế quan. Điều đó có nghĩa là khi các mức thuế có hiệu lực, nhu cầu thực tế sẽ suy giảm. Chi phí cao hơn sẽ ngăn nhiều khách hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc”.
Một thống kê mới nhất từ công ty vận tải HLS cho thấy, tổng cộng đã có 80 chuyến tàu hàng từ Trung Quốc bị hủy, khi các hãng vận tải và doanh nghiệp xuất khẩu đều đang đánh giá lại tình hình.
Bà Zhang Haiyun, Giám đốc phụ trách kinh doanh quốc tế Công ty Airdog, cho biết: “Không có nhiều hãng vận tải sẵn sàng nhận đơn hàng mới vì không ai biết các mức thuế sẽ thay đổi như thế nào trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Do vậy, mọi thứ đều đang bị đình trệ”.
Hiện các doanh nghiệp đang cố gắng thích ứng với những biến động do thuế quan gây ra. Các công ty xuất khẩu tìm cách đa dạng hóa thị trường quốc tế hoặc tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. Trong khi đó, các hãng vận tải cố gắng mở rộng dịch vụ tại các hành lang thương mại ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Dưới áp lực căng thẳng thương mại, Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,3% trong năm nay, so với mức 2,8% của năm ngoái. Trong bối cảnh này, hy vọng về sự phục hồi và ổn định sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc các nền kinh tế có thể ngồi lại, đối thoại và tìm kiếm tiếng nói chung.
Nguồn: VTV