Ông Trump gia tăng căng thẳng với Fed về lãi suất
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa phát động một loạt các cuộc tấn công nhằm vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Đồng thời, cáo buộc người đứng đầu ngân hàng trung ương này “chơi trò chính trị” khi không cắt giảm lãi suất và khẳng định ông có quyền sa thải Powell.
Tổng thống Donald Trump cho biết trong các bài đăng rằng, Fed nên cắt giảm lãi suất và gọi bài phát biểu gần đây của Powell về nền kinh tế là “hoàn toàn lộn xộn”.
Trong lần xuất hiện sau đó trên báo chí, ông Trump đã nói rõ hơn về việc các quyết định của Fed có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của tổng thống như thế nào.
Ví dụ, lãi suất thế chấp nhà và các khoản tín dụng tiêu dùng khác vẫn ở mức cao và Fed có thể sẽ không đưa ra nhiều biện pháp cứu trợ khi rủi ro lạm phát đang gia tăng sau kế hoạch áp thuế quan của ông Trump. “Fed thực sự nợ người dân Hoa Kỳ việc hạ lãi suất. Đó là điều duy nhất ông ấy làm tốt. Tôi không hài lòng với ông ấy. Nếu tôi muốn ông ấy rời khỏi đó, ông ấy sẽ ra đi rất nhanh, tin tôi đi”, ông Trump nói.
Theo các nhà phân tích, những nhận xét của ông Trump về Powell và sự cố gắng sa thải Powell có khả năng làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Ông Trump đã thảo luận riêng về việc sa thải Powell trong nhiều tháng và đã nói về điều đó với cựu Thống đốc Fed Kevin Warsh, bao gồm cả khả năng sau đó chọn Warsh làm người thay thế Powell. Về phần mình, Warsh đã khuyên không nên cố gắng sa thải Powell và cho rằng ông Trump nên để chủ tịch Fed hoàn thành nhiệm kỳ của mình mà không bị can thiệp.
Bình luận của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi Powell phát biểu tại một sự kiện ở Câu lạc bộ Kinh tế Chicago rằng “sự độc lập của Fed được hiểu và ủng hộ rộng rãi tại Washington và Quốc hội nơi thực sự quan trọng”, nhận được sự hoan nghênh từ nhóm giám đốc điều hành doanh nghiệp cấp cao vì lời cam kết sẽ thiết lập lãi suất độc lập với áp lực chính trị hoặc các cân nhắc đảng phái.
Trái ngược với khẳng định của ông Trump rằng Powell sẽ từ chức nếu được yêu cầu, Powell, cựu nhà đầu tư vốn tư nhân có đủ tài sản độc lập để tự chi trả cho thách thức pháp lý của mình, đã nói rằng ông không có kế hoạch từ chức trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 5/2026. Ông cũng cho biết mình cảm thấy vụ việc sẽ không thay đổi sự độc lập lâu dài của Fed trong chính sách tiền tệ, điều này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng.
Tuy nhiên, những nhận xét này đã khơi lại một vấn đề mà các nhà đầu tư hy vọng đã được giải quyết với việc Powell hoàn thành nhiệm kỳ bốn năm kết thúc vào tháng 5/2026 và ông Trump sẽ chọn người kế nhiệm trong thời gian đó.
Các thị trường cá cược trực tuyến đã lưu ý điều này, với một hợp đồng trên nền tảng Kalshi hiện đang đưa ra tỷ lệ cược là một trên bốn rằng Powell sẽ không còn giữ chức chủ tịch Fed vào cuối năm, cao gấp đôi so với tỷ lệ cược của một tháng trước.
Tờ Politico cho biết trong một báo cáo trích dẫn các nguồn tin giấu tên rằng cuộc tranh cãi của Trump với Powell khá nhạy cảm, đến nỗi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent đã cảnh báo các quan chức Nhà Trắng không nên cố sa thải Powell, vì điều đó có nguy cơ gây bất ổn cho thị trường tài chính.
Fed cần phải duy trì sự linh hoạt và đáng tin cậy
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết, trong bối cảnh triển vọng toàn cầu suy yếu trước đòn tấn công thuế quan của ông Trump, các ngân hàng trung ương như Fed cần phải duy trì sự linh hoạt và đáng tin cậy – những năng lực có thể bị hạn chế bởi sự can thiệp của chính trị.
Phó chủ tịch Evercore ISI Krishna Guha cho biết trong một lưu ý: “Mối đe dọa đột ngột đối với sự độc lập của Fed sẽ làm gia tăng căng thẳng trên thị trường và chuyển hướng theo hướng đình lạm với rủi ro đuôi tăng mạnh”.
Powell đã cảnh báo rằng các chính sách thuế quan của ông Trump có nguy cơ đẩy lạm phát và việc làm xa hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương, nơi mà ngân hàng này cùng quản lý theo nhiệm vụ được Quốc hội giao.
Trao đổi với truyên thông, Powell đã hạ thấp khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Ông cho biết, các kế hoạch thuế quan của chính quyền có khả năng làm tăng cả lạm phát và thất nghiệp, khiến Fed phải đứng ngoài cuộc trong việc thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với lãi suất cho đến khi hướng đi của nền kinh tế trở nên rõ ràng hơn.
Trong khi ông Trump tỏ ra tán thành rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã cắt giảm lãi suất, ECB thực hiện hành động này một phần là để đáp trả các chính sách thương mại của chính ông Trump. ECB cho biết triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng euro đã “xấu đi do căng thẳng thương mại”, trong khi lạm phát của khu vực đồng euro dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
Tại Hoa Kỳ, các kế hoạch của ông Trump cũng dẫn đến triển vọng tăng trưởng thấp hơn, khi các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến cho rằng khả năng suy thoái là 45%. Nhưng nó cũng làm dấy lên viễn cảnh lạm phát cao hơn mà các nhà hoạch định chính sách cho biết họ có thể cần phải đề phòng bằng cách giữ nguyên lãi suất ít nhất ở mức hiện tại.
Lãi suất chuẩn của Fed hiện là 4,25%-4,50%, mức này đã duy trì kể từ tháng 12 sau nhiều lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm ngoái.
“Tôi không thấy cần phải thay đổi thiết lập lãi suất quỹ liên bang trong thời gian tới…Chúng ta có một giai đoạn lạm phát cao hơn trong năm nay và một con đường tăng trưởng chậm hơn so với năm ngoái. Vì vậy, đó là sự kết hợp mà bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng”, Chủ tịch Fed New York John Williams nói với phóng viên Edward Lawrence của Fox Business Network./.
Nguồn: VTV