Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động xây dựng các kịch bản cung ứng phù hợp với mọi tình huống
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và các đợt nắng nóng sắp tới, Bộ Công thương và các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng các kịch bản cung cấp điện, ứng trực 24/24h để xử lý các sự cố, đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Những ngày vừa qua, cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam đang trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ tại nhiều địa phương đã chạm ngưỡng 38 độ C. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, đặc biệt là điện sinh hoạt và điện cho làm mát. Chính vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động xây dựng các kịch bản cung ứng phù hợp với mọi tình huống, kể cả khi nhu cầu điện tăng trưởng tới 12-13% nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Bùi Quốc Hoan – Phó Tổng Giám đốc điện lực miền Nam cho biết EVNSPC đã làm việc với các doanh nghiệp để dịch chuyển phụ tải – tức là điều chỉnh thời điểm sử dụng điện của các khách hàng lớn, giúp tránh áp lực vào giờ cao điểm, tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp và ngành điện. Từ đó, tối ưu hóa chi phí năng lượng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
EVNSPC hướng tới mục tiêu dịch chuyển 5-10% phụ tải ra khỏi khung giờ cao điểm, tương đương khoảng 430 MW cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, để đạt được cần sự chung tay từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cả người dân.
Tương tự, ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết giờ cao điểm của các khách hàng thuộc Điện lực TP.HCM đang là 14-15 giờ, hoặc 19 giờ, tùy từng mùa. Ngành điện đã chủ động làm việc với khách hàng và nhiều đơn vị đã thay đổi công nghệ, phân tách hệ thống điện để chuyển vào giờ thấp điểm.
Lúc này, tiền điện sẽ giảm nhưng thay vào đó chi phí lao động tăng lên nên các doanh nghiệp cần thêm đánh giá để đưa ra phương án tối ưu nhất.
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết dù thời tiết đầu năm có phần mát mẻ song sản lượng điện thương phẩm đạt 63,645 tỉ kWh, tăng khoảng 4,43%. Theo đó, xu hướng phụ tải tiếp tục tăng cao trong mùa khô và mùa nắng nóng sắp tới.
Trước tình hình đó, EVN đã chủ động xây dựng các kịch bản cung ứng điện phù hợp với mọi tình huống, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh tăng trưởng GDP mục tiêu trên 8%.
Đồng thời, EVN đang triển khai 10 dự án nguồn điện, tổng công suất khoảng 8.800 MW, bao gồm cả dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Trong năm 2025, EVN tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy thủy điện Quảng Trạch I, Đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên, Đường dây 500/220kV Nho Quan – Phủ Lý – Thường Tín, Cấp điện cho huyện Côn Đảo.
Ông Lâm cũng cho rằng để giảm tải cho hệ thống điện, vai trò của dịch chuyển phụ tải rất quan trọng. Nếu miền Nam có thể dịch chuyển hiệu quả khoảng 500 MW phụ tải từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm thì sẽ tương đương với việc tránh đầu tư một nhà máy nhiệt điện công suất lớn, tiết kiệm hàng tỉ USD.
Nguồn: VTV