Trang chủ kinh-te Hoàn thiện hạ tầng logistics để thúc đẩy tăng trưởng

Hoàn thiện hạ tầng logistics để thúc đẩy tăng trưởng

bởi Admin
0 Lượt xem

Quý I vừa qua, có 43 địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng chung của cả nước. Trong đó phải kể đến 5 địa phương dẫn đầu gồm Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Đà Nẵng và Lai Châu. Trụ cột tăng trưởng chính vẫn đến từ sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra và Công điện số 47 mới đây của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, các địa phương đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển kinh tế.

Tại tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Logistics Quốc tế này là Trung tâm Logistics hạng II Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với diện tích 67 ha. Đây sẽ là trung tâm kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất tại tỉnh Bắc Giang và khu vực phía Bắc. Khi tất cả thủ tục hàng hóa được giải quyết tại một điểm sẽ giúp giảm chi phí logistics cho hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Logistics Quốc tế Bắc Giang cho biết: “Khi chúng ta vận hành các trung tâm logitics nhỏ lẻ, dẫn đến chi phí cao. Với trung tâm quy mô đủ lớn, đủ các dịch vụ và giải pháp ra đời, chúng tôi đầu tư dài hạn nên tối ưu hoá được nguồn lực và chi phí, giúp môi trường đầu tư được cạnh tranh, giảm chi phí logistics xuống”.

Hình thành và phát triển các trung tâm logistics hiện đại, giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế

Là địa phương đứng đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế trong quý I vừa qua, với tốc độ gần 14%, tỉnh Bắc Giang đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng logistics, bằng việc đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021-2030 sẽ phát triển 8 trung tâm logistics tổng hợp, 3 cảng cạn và 33 cảng thủy nội địa.

Ông Đặng Đình Hoan – Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Bắc Giang chia sẻ: “Kết nối giao thông cũng như các trình tự thủ tục sẽ thuận lợi cho nhà đầu tư, chắc chắn sẽ mang tính cạnh tranh tốt, tiếp tục hỗ trợ tối đa về mọi mặt, để quá trình thực hiện của nhà đầu tư thuận lợi nhất, để đóng góp chung cho tỉnh Bắc Giang”.

Ngay cạnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh cũng có 3 trong 17 cảng cạn vừa được Bộ Xây dựng công bố. Hầu hết đều có quy mô từ 8 ha trở lên. Được xem là cánh tay nối dài của các cảng biển Hải Phòng với các trung tâm sản xuất lớn của Bắc Ninh và các tỉnh lân cận, các cảng cạn đều sử dụng phương tiện thủy để vận chuyển, giúp giảm đến 40% chi phí logistics so với đi đường bộ.

Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Giám đốc Cảng cạn Tân Chi, tỉnh Bắc Ninh nêu ý kiến: “Nâng cấp các thiết bị và đầu tư thêm các hệ thống máy móc xe nâng, các hạ tầng công nghệ thông tin để làm sao kết nối trực tiếp, xử lý các vấn đề thông quan cho bên hải quan ở tại cảng”.

Ông Ngô Tân Phượng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhận định: “Tập trung vào các dự án giao thông, qua các dự án giao thông là các dự án kết nối giữa các khu công nghiệp lớn và kết nối các đô thị. Thông qua đó, làm giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của địa phương”.

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, ngành logistics của Việt Nam đã phát triển và tăng trưởng bình quân khoảng 14-16%/năm. Tuy nhiên, chi phí logistics của nước ta vẫn đang ở mức cao gần gấp đôi so với trung bình trên thế giới. Điều này là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội lớn để hình thành và phát triển các trung tâm logistics hiện đại, giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan