Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế tư nhân, theo các chuyên gia cần một giải pháp đồng bộ, trong đó việc cải thiện điều kiện tiếp cận vốn và khuyến khích đăng ký kinh doanh đóng vai trò then chốt.
Cụ thể là ưu tiên cấp vốn cho các doanh nghiệp có đăng ký trong ba năm đầu tiên, với lãi suất ưu đãi và không yêu cầu thế chấp. Để đảm bảo tính hiệu quả, các doanh nghiệp phải duy trì hệ thống báo cáo tài chính minh bạch, nhằm tránh tình trạng sử dụng vốn sai mục đích. Thứ hai, cơ chế ưu đãi vốn giúp giảm bớt gánh nặng tài chính ban đầu cho các doanh nghiệp mới thành lập, vốn thường thuộc nhóm siêu nhỏ và nhỏ. Cuối cùng, đây cũng là một hình thức đầu tư gián tiếp của Nhà nước vào các startup, tương tự vai trò của “nhà đầu tư thiên thần” (angel investor), nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, phát triển nhỏ lẻ đơn độc thiếu liên kết, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, thậm chí nhiều hộ kinh tế cá thể thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp và “không muốn lớn”… là những hạn chế đã được nhận diện trong khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua. Để hỗ trợ khu vực kinh tế này phát triển và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và quốc tế, nhiều giải pháp đã và đang được triển khai.
Mắm ép chưng thịt, thịt xào mắm ruốc… đây là những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, được vinh danh trong tốp 100 thương hiệu nổi tiếng ASEAN. Tuy nhiên, các thương hiệu này thời gian qua chỉ phát triển với quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Theo đơn vị sản xuất, đầu ra cho sản phẩm vẫn là thách thức lớn, thậm chí ngay cả kế hoạch liên kết với các nhà phân phối lớn, để đưa sản phẩm tới người tiêu dùng, đến nay vẫn chưa thể làm được.
Tạo liên kết chuỗi hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa.
Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã xây dựng các chính sách rất cụ thể với những mô hình thương mại mới, ví dụ như cho phép từ nhà sản xuất đến thẳng cửa hàng để quãng đường được rút ngắn khoảng cách và thời gian. Chúng tôi đặt ra mục tiêu đó là tỷ lệ chiếm lĩnh hàng Madein Việt Nam tại các kênh phân phối hiện đại đạt từ 80 – 90%”.
Không chỉ khó khăn cho doanh nghiệp khi thiếu chuỗi liên kết trong sản xuất. Với nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, việc thiếu nguồn cung nguyên liệu trong nước, đã khiến họ mất đi lợi thế cạnh tranh. Trước thực tế này, việc xây dựng, đồng bộ một chuỗi cung ứng nội địa đang là yêu cầu đặt ra.
Cùng với nhóm giải pháp cải cách thể chế và chính sách, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp trao quyền hay tạo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ… cho khu vực kinh tế tư nhân cũng cần được thúc đẩy. Có như vậy mới thực sự thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Nguồn: VTV