Trang chủ kinh-te Đẩy mạnh động lực truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Đẩy mạnh động lực truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

bởi Admin
0 Lượt xem

Kiên định với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm nay và 2 con số trong những năm tiếp theo. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, cần triển khai ngay các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước mắt cũng như về lâu dài với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ cũng như tập trung nguồn lực, tăng tốc phát triển trong các tháng, các quý tiếp theo của năm.

Các động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm đầu tư công, xuất khẩu, và tiêu dùng được Thủ tướng yêu cầu làm mới và tiếp tục đẩy mạnh.

Về xuất khẩu, với quy mô tương đương 85% GDP năm 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao: đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khẩn trương kết thúc đàm phán và khởi động đàm phán, ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Á, Đông Âu.

Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thì chính sự chủ động của các doanh nghiệp sẽ giúp đẩy nhanh việc mở rộng cánh cửa thị trường mới.

Ngành rau quả: chiến lược đa dạng thị trường

Sắp tới trái bưởi của Việt Nam sẽ được xuất sang thị trường Úc và Trung Quốc.

Từ việc xuất khẩu thanh long sang thị trường truyền thống sụt giảm, doanh nghiệp quyết định đầu tư một hướng đi mới – thị trường các nước Hồi giáo tại Đông Nam Á. Sau khi đầu tư xong chứng nhận Halal, doanh nghiệp đã đưa nước ép thanh long của Việt Nam lên kệ siêu thị tại Malaysia, mở ra cơ hội kinh doanh mới.

“Tôi nhận thấy các nước ở gần Việt Nam là cơ hội cho mình, tiềm năng của những nước này rất lớn. Cố gắng tập trung đầu tư toàn lực vào những thị trường mới nổi như Malaysia, Indo”, ông Phạm Cao Vân – Giám đốc Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải chia sẻ.

Trong 10 thị trường xuất khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay, đã có 6/10 thị trường có sự tăng trưởng tốt. Đặc biệt bên cạnh những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ hay Nhật Bản, những thị trường Hồi giáo như Các tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất hay Malaysia cũng có sự tăng trưởng. Điều này cho thấy chiến lược đa dạng hóa thị trường của ngành rau quả Việt Nam đã phát huy tác dụng.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: “Khi mà thị trường Trung Quốc sụt giảm hoặc Mỹ áp thuế cao, doanh nghiệp cũng chuyển hướng sang các thị trường khác. Thị trường Halah chúng ta rất ít, mỗi năm chỉ vài trăm triệu USD. Sắp tới đây các doanh nghiệp được tìm hiểu các quy định của thị trường Halah có thể xuất được”.

Doanh nghiệp cho biết, sau thời gian miễn thuế đối ứng 90 ngày, lượng hàng đơn vị xuất vào thị trường Hoa Kỳ sẽ xuống còn 40%. Mục đích để thăm dò thị trường song song với đó, sẽ đẩy mạnh sang các thị trường như Australia, New Zealand.

“Thị trường New Zealand là thị trường rất mới về trái bưởi, trái chanh không hạt. Người ta tiêu thụ rất tốt cũng là bất ngờ với chúng tôi. Rồi đối với thị trường chanh leo ở Úc. Sắp tới là bưởi vào Úc, bưởi vào Trung Quốc”, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Vina T&T chia sẻ.

Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam mới tận dụng được 30% cơ hội đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì vậy, vẫn còn dư địa lớn mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng.

Tìm giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư duy trì xuất khẩu

Đẩy mạnh động lực truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2.

Với các doanh nghiệp ngành điện – điện tử, vi mạch bán dẫn. Trong ngắn hạn các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các vấn đề như chi phí vận hành, xuất khẩu và cạnh tranh quốc tế.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải Quan, tính đến giữa tháng 4, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 120 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng trên 70%. Để giữ vững tốc độ tăng trưởng tích cực này, việc đánh giá mức độ tác động, thách thức mà các doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh có những diễn biến mới liên quan thuế quan, là hết sức cần thiết.

Với các doanh nghiệp ngành điện – điện tử, vi mạch bán dẫn. Trong ngắn hạn các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các vấn đề như chi phí vận hành, xuất khẩu và cạnh tranh quốc tế.

“Công ty tôi có 2 khách hàng lớn họ xuất đi Mỹ, hiện 1 khách hàng của chúng tôi đã tạm thời ngưng các đơn hàng của họ dành cho chúng tôi để họ chờ xem sau khi đàm phán thì 2 Chính phủ sẽ đạt được cái thỏa thuận nào?” bà Lã Thị Thu Hằng – Giám Đốc Điều Hành CTCP Digisensor chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp FDI cho biết, hiện họ vẫn quyết định đầu tư ở Việt Nam vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên họ đang chờ những thông tin rõ ràng về chính sách thuế quan của Hoa Kỳ để đưa ra được những hoạch định chính xác hơn.

Ông Hon Kay Lee – Phó Chủ tịch Điều hành MILWAUKEE Việt Nam cho biết: “Trong ngắn hạn chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư ở Việt Nam, và chúng tôi vẫn rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Ban quản lý khu công nghệ cao về các vấn đề liên quan đến các loại giấy phép nếu có để chúng tôi có thể đưa ra những quyết sách nhanh chóng để đối phó với tình hình thuế quan. Trong trung và dài hạn chúng tôi cũng có những chiến lược và tin là với nỗ lực của phía công ty và Chính Phủ Việt Nam sẽ có những giải pháp để vượt qua khó khăn này”.

Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, chính sách thuế quan có thể làm thay đổi cấu trúc ngành, định hình lại chiến lược phát triển của các doanh nghiệp. Việc tìm kiếm mở rộng các đối tác từ châu Âu và Đông Nam Á để giảm thiểu rủi ro về đơn hàng và tối ưu hóa doanh thu hoạt động là rất cần thiết.

Ông Victor Ngo – Tổng giám đốc, Ngân Hàng UOB Việt Nam cho biết: “Đây là thời gian tốt nhất để Việt Nam tái cấu trúc thị trường xuất khẩu, và định hướng mở rộng thị trường ra các khu vực khác, như Đông nam Á, châu Âu, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc. Giải pháp ngắn hạn là doanh nghiệp cần tăng tỉ lệ nguyên vật liệu đóng góp từ Việt Nam từ 10% lên 50% trong các sản phẩm điện tử”.

Trước tình hình hiện nay, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ có các chính sách hỗ trợ trước mắt từ tài chính, nhân lực, đến các ưu đãi đầu tư. Về lâu dài, thành phố nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và hấp dẫn để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế.

Giới chuyên gia đánh giá cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay khi được thực thi hiệu quả sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài trong dài hạn.

Siết truy xuất nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ hàng Việt

Đẩy mạnh động lực truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 3.

Các hiệp hội ngành hàng cảnh báo, nếu không kiểm soát chặt việc truy xuất nguồn gốc, uy tín hàng Việt có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên trường quốc tế.

Trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp Việt được mời tham gia những công đoạn nhỏ trong chuỗi sản xuất nhằm hợp thức hóa xuất xứ. Các hiệp hội ngành hàng cảnh báo, nếu không kiểm soát chặt, uy tín hàng Việt có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bộ Công Thương đã yêu cầu tăng cường giám sát xuất xứ hàng hóa, trong bối cảnh các thị trường lớn siết chặt quy tắc xuất xứ để ngăn chặn gian lận thương mại.

100% nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ đã được nội địa hoá. Việc làm chủ nguyên liệu trong nước không chỉ giúp tối ưu chi phí, mà còn là lá chắn để vượt rào cản xuất xứ.

“Khách hàng của mình nhiều khi cũng muốn gỗ này gỗ khác mà mình phải nhập khẩu thì mình tư vấn họ sử dụng gỗ Việt Nam, vì gỗ chúng tôi bây giờ cũng rất tốt. Đầy đủ giấy tờ để các bạn tin tưởng gỗ của chúng tôi, độ bền cũng không thua kém gì”, ông Trần Minh Tuấn – Quản lý khu vực miền Nam, Công ty đồ gỗ Thịnh Cường chia sẻ.

80% nguyên phụ liệu của doanh nghiệp đến từ thị trường nội địa, 20% còn lại được doanh nghiệp tìm thêm nguồn vải ở các thị trường khác để phục vụ cho yêu cầu của các nhà nhập khẩu. Vấn đề nguồn gốc xuất xứ cũng được làm chặt để tránh các vụ kiện về gian lận.

Cách tiếp cận linh hoạt nhưng chặt chẽ về nguồn gốc nguyên liệu đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp dệt may. Chủ động phân bổ tỷ trọng nguyên liệu nội địa – nhập khẩu theo yêu cầu từng thị trường giúp họ tránh được rủi ro kiện tụng và nâng khả năng cạnh tranh.

“Doanh nghiệp đang tìm kiếm thêm nguồn nguyên phụ liệu mới như từ Ấn Độ, Bangladesh. Không loại trừ phương án trong tương lai những nguyên phụ liệu có thể sẽ nhập khẩu từ Mỹ để giải quyết câu chuyện tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu”, ông Phạm Quang Anh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Dony chia sẻ.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, khi xuất xứ hàng hóa đã trở thành “giấy thông hành” trên bản đồ thương mại quốc tế, thì minh bạch từ khâu đầu vào là điều kiện tiên quyết. Các hiệp hội ngành hàng hiện đang tổng hợp vướng mắc để kiến nghị chính sách hỗ trợ.

Ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho hay: “Chúng ta phải chuẩn bị nguồn gốc xuất xứ từ đầu vào, rõ ràng minh bạch, theo quy chuẩn quốc tế. Cần có can thiệp, kiểm soát của các cơ quan pháp luật. Bản thân nhà sản xuất phải có quan sát kỹ, có trách nhiệm lớn trong việc đánh giá nguồn gốc xuất xứ của mình”.

Trong khi đó, Bộ Công Thương đã thu hồi quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O, giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ CNM từ VCCI – bước đi quyết liệt nhưng cần thiết, nhằm siết chặt quy trình cấp chứng nhận xuất xứ, bảo vệ uy tín hàng Việt giữa làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan