Trang chủ kinh-te Nghị quyết 68 tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển mình

Nghị quyết 68 tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển mình

bởi Admin
0 Lượt xem

Theo thống kê, hiện đã có khoảng 837 doanh nghiệp tổ chức Đại hội đồng cổ đông, chiếm khoảng 60% vốn hóa thị trường,

Chứng khoán vẫn thường được gọi là hàn thử biểu của nền kinh tế, vậy nên những kế hoạch kinh doanh, những chia sẻ của các lãnh đạo doanh nghiệp cũng phần nào thể hiện kỳ vọng kinh tế trong thời gian tới.

Điều mà nhiều người dân và nhà đầu tư quan tâm nhất là triển vọng tăng trưởng có bị ảnh hưởng nhiều bởi câu chuyện thuế quan hay không. Theo thống kê của Wigroup, các ngành đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi nhiều chủ yếu là các nhóm ngành không mang tính đại diện cho 3 sàn, cho nền kinh tế, ví dụ như cao su, phân bón, nhựa, phân phối khí đốt. Nhóm bất động sản công nghiệp có thận trọng một chút, để kế hoạch tăng trưởng giảm nhẹ khoảng 4,6%.

Nhưng điều bất ngờ nhất là các doanh nghiệp niêm yết đại diện cho các ngành xuất khẩu chính đang tự tin tăng trưởng. Xuất khẩu được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ căng thẳng thương mại thế giới nhưng thống kê từ mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn kỳ vọng tăng trưởng hơn 15%, doanh nghiệp may mặc còn đặt mức tăng 27,5%.

Các doanh nghiệp cho biết, những chỉ đạo quyết sách kịp thời của Đảng và Nhà nước đang tạo động lực cho rất nhiều doanh nhân.

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân với quan điểm chỉ đạo rõ rằng, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Và khi đất nước kêu gọi, doanh nhân cũng đang trả lời. Các doanh nghiệp đều vui mừng khi kinh tế tư nhân được đánh giá đúng vai trò trong sự phát triển đất nước. Doanh nhân cũng đang tự xác định họ là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới hiện nay.

Giới phân tích cho biết, những lo ngại về căng thẳng thuế quan và thương mại có lúc cũng có lúc bị đẩy lên thái quá khi quan sát những biến động trên thị trường chứng khoán.

Những hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 5 – 6% quy mô vốn hoá của toàn bộ thị trường chứng khoán. Bây giờ là lúc cần nhìn vào nội lực doanh nghiệp và đất nước

Không có giới hạn trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân

Giờ là lúc cần nhìn vào nội lực doanh nghiệp và đất nước. Ngay trong phiên họp chiều 8/5 với Hội đồng Tư vấn chính sách để thảo luận, nghe ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Không có giới hạn trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân”.

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng tư vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Tổ biên tập phải khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân bằng Nghị quyết của Quốc hội để phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững.

Theo Thủ tướng, phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân và để các tập đoàn kinh tế lớn có các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành các tập đoàn đa quốc gia; các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải trở thành doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp siêu nhỏ phải trở thành doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68 để các chính sách sớm đi vào cuộc sống (Ảnh: VGP)

Thủ tướng cũng yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội cần rà soát kỹ các chính sách để thúc đẩy tự do, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận bình đẳng về vốn, đất đai, tài sản công…

“Tinh thần là đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước ta trong kỷ nguyên mới. Với một tinh thần là Nhà nước kiến tạo, con người là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, thể chế, cơ chế chính sách là động lực để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế quốc gia. Nghị quyết của Quốc hội phải tạo ra được phong trào, tạo xu thế phát triển doanh nghiệp, người người nhà nhà thi đua làm giàu một cách chính đáng” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp chuyển mình giữa biến động thuế quan

Tinh thần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ đã được phản ánh ngay lên việc đặt kế hoạch kinh doanh của nhiều nhóm ngành chiếm tỷ trọng chính trên thị trường chứng khoán là ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng và chứng khoán. Các khối này đều đặt kế hoạch tăng trưởng so với giai đoạn các năm 2023, 2024.

Nghị quyết 68 tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển mình - Ảnh 2.

Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 của các nhóm ngành

Điều này phần nào thể hiện sự tự tin của các định chế tài chính và doanh nghiệp về hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh, triển khai phát triển xây dựng các dự án mới và tâm lý đầu tư.

Tất nhiên là các doanh nghiệp đều có đề ra những kịch bản thận trọng nếu diễn biến căng thẳng thuế quan tiếp tục leo thang, tuy nhiên, tăng trưởng đang là kịch bản được ưu tiên.

Đi sâu vào các đại diện lớn của từng nhóm ngành, bất động sản có Vinhomes, công nghệ FPT đều đặt tăng trưởng 2 con số.

Ở khối ngân hàng, Seabank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng khi quý I năm nay, kinh tế trong nước phục hồi cũng tạo ra bộ đệm tăng trưởng khá tốt cho các ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh của nhà băng này đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189%.

Nhóm thực phẩm bán lẻ cũng có phần tự tin hơn khi có lợi thế từ sự đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng thị trường trong nước. Năm 2025, Vinamilk đặt mục tiêu tăng trưởng 4,3% cho cả doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Masan cũng đặt kế hoạch trong năm nay tập trung mở rộng mạng lưới, mục tiêu đạt 4.500+ điểm bán vào cuối năm, tương đương mở trung bình xấp xỉ 2 cửa hàng mới mỗi ngày.

Các doanh nghiệp thực phẩm chăn nuôi cho biết, việc nước Mỹ muốn một mức thuế thấp hơn tại Việt Nam cho nhiều mặt hàng nông sản cũng đang mở ra cơ hội để họ giảm chi phí đầu vào như lúa mỳ, dầu khi gia tăng nhập khẩu từ Mỹ.

Với nhiều doanh nghiệp, biến động thế giới cũng tạo ra quyết tâm cho họ phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, từ đó tạo cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu và xây dựng một doanh nghiệp toàn cầu đa dạng hóa.

Cơ hội đi kèm thách thức

Mùa đại hội cổ đông là dịp hiếm hoi hàng năm thị trường được lắng nghe trực tiếp từ các lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu chỉ là người quan sát, việc doanh nghiệp tự tin là điều đáng mừng nhưng nếu à nhà đầu tư, cũng cần có thêm bộ lọc để phân biệt được đâu là sự tự tin có cơ sở, đâu là lạc quan thái quá. Bức tranh tăng trưởng năm nay sẽ rất phân hóa, có những doanh nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít doanh nghiệp và ngành nghề sẽ cần thêm thời gian để tái cấu trúc.

Tuy nhiên, dù thế nào thì kỳ vọng vào nội lực bây giờ cũng đang lớn hơn nỗi sợ chuyện bên ngoài thế giới, thể hiện qua thị trường chứng khoán đang có chuỗi tăng điểm liên tiếp. VN-INDEX đã tăng gần 20 điểm lên sát mốc 1.270 điểm, tiến gần lại tương đối mốc điểm trước khi sự kiện căng thẳng thuế quan diễn ra.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan