Trang chủ kinh-te Đột phá về mặt tư duy phát triển kinh tế tư nhân

Đột phá về mặt tư duy phát triển kinh tế tư nhân

bởi Admin
0 Lượt xem

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển; là “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế”; là “bước ngoặt lịch sử” trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân. Đây là nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp tại Tọa đàm “Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 – Những việc cần làm ngay” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 09/5.

Theo các chuyên gia, Nghị quyết 68 có nhiều điểm mới đột phá, khác với các Nghị quyết khác về kinh tế tư nhân ở 3 khía cạnh: Một là giảm phiền hà (cắt giảm giấy phép kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính); Hai là tăng sự bảo vệ, an toàn của doanh nhân; Ba là khơi thông nguồn lực. Tại tọa đàm, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) thông tin, nghị quyết của Chính phủ dự kiến ban hành càng sớm càng tốt, ngay trong tháng 5 này. Mục tiêu là đến cuối năm nay, công tác thể chế phải cơ bản hoàn tất. Năm 2026 – 2030 sẽ là giai đoạn khơi thông, phát huy nguồn lực tư nhân để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cao.

Nếu trước đây, kinh tế tư nhân được coi như đối tượng được điều tiết và quản lý bởi Nhà nước, thì với Nghị quyết 68, khu vực này là một đối tác đồng hành trong công cuộc phát triển quốc gia. Những giải pháp tại Nghị quyết là chìa khóa tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế – nguyên nhân sâu xa kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân.

Việt Nam hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp. Mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết 68 là tăng gấp đôi, tức là 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Chúng ta muốn có lực lượng doanh nghiệp tốt thì bắt buộc số lượng doanh nghiệp nhiều. Chính vì thế việc đơn giản hóa những thủ tục gia nhập thị trường sẽ giúp con số này ngày càng tăng lên. Lần đầu tiên có một nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp không chỉ trên giấy, mà phải được cụ thể hóa bằng chính những quy định của pháp luật. Việc xóa bỏ các rào cản hành chính, tư duy “không quản được thì cấm” và cơ chế “xin – cho” sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa gia nhập thị trường cho khu vực kinh tế tư nhân.

Đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp

Nghị quyết 68 yêu cầu tạo mọi điều kiện đơn giản nhất để khuyến khích những hộ kinh doanh lớn thành doanh nghiệp.

Ông Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho hay: “Điển hình như việc phải thay đổi về thể chế để các doanh nghiệp, doanh nhân được tự do kinh doanh mà không bị ràng buộc theo các điều kiện kinh doanh. Điều đó có nghĩa là những doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển kinh doanh là tùy theo năng lực của mình, tùy theo những quy định sẵn có của pháp luật và tự mình đang tiến hành, không phải đi xin phép, không phải làm các thủ tục mất thời gian, cũng như chi phí ban đầu cản trở sự ra nhập thị trường của doanh nghiệp”.

Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Đây chính là lực lượng có thể được nuôi dưỡng để lớn thành doanh nghiệp. Tuy nhiên việc mở và vận hành 1 cửa hàng đơn giản hơn nhiều so với việc chúng ta thành lập và quản lý 1 doanh nghiệp. Ví dụ như việc nộp thuế, hộ kinh doanh chỉ cần một người làm là đủ. Đối với 1 doanh nghiệp sẽ phải có bộ phận kế toán riêng, phải xuất hóa đơn chứng từ đầy đủ. Đây chính là rào cản khiến cho những hộ kinh doanh nhỏ lẻ mãi chưa chịu lớn thành doanh nghiệp. Nghị quyết 68 yêu cầu tạo mọi điều kiện đơn giản nhất để khuyến khích những hộ kinh doanh lớn thành doanh nghiệp, kể cả về việc tổ chức hành chính, kế toán tài chính. Trên thực tế nhiều giải pháp đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai.

Tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ

Đột phá về mặt tư duy phát triển kinh tế tư nhân - Ảnh 2.

Ngoài việc ứng dụng công nghệ vào kê khai, nộp thuế, hiện nay ngành thuế cũng đang rà soát, đơn giản mọi thủ tục, quy trình báo cáo thuế của hộ kinh doanh.

Quán cà phê của anh Dương vừa mới khai trương được ít ngày. Ngày 8/5, anh đã được ngành thuế và nhà cung cấp giải pháp, hỗ trợ cài phần mềm xuất hóa đơn điện tử vào điện thoại. Không cần có kế toán, chỉ một mình anh cũng có thể sử dụng và dễ dàng kê khai, đóng thuế.

“Đây là 1 giao dịch của 1 cốc cà phê, 50.000đ. Nó rất tiện lợi, có thể xuất hóa đơn luôn cho khách hàng, và kết nối với cơ quan thuế”, anh Nguyễn Huy Dương, hộ kinh doanh quận Đống Đa, TP Hà Nội chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Minh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Khu vực I cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp về hóa đơn điện tử. Làm sao đưa ra giải pháp kỹ thuật hỗ trợ tốt nhất cho mô hình hộ kinh doanh, vừa gắn việc xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với việc kê khai thuế bằng phương thức điện tử”.

Ngoài việc ứng dụng công nghệ vào kê khai, nộp thuế, hiện nay ngành thuế cũng đang rà soát, đơn giản mọi thủ tục, quy trình báo cáo thuế của hộ kinh doanh. Đơn cử như hiện nay, 1 hộ nộp thuế theo phương pháp kê khai đang phải thực hiện 7 hệ thống sổ sách, kế toán khá phức tạp, cần phải thu gọn, đơn giản hóa lại.

Ông Nguyễn Đức Huy – Phó Trưởng Ban Nghiệp vụ Thuế, Cục Thuế cho hay: “Chúng tôi có thể tham mưu để ban hành hệ thống sổ sách, kế toán nó tương đối đơn giản. Để làm sao mà các hộ kinh doanh có thể đơn giản nhất, dễ dàng nhất trong theo dõi tình hình thực hiện quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và đóng góp cho ngân sách Nhà nước một cách thuận tiện nhất”.

Bên cạnh đó, để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành các doanh nghiệp, ngoài việc miễn thuế 3 năm đầu, thì thủ tục thành lập doanh nghiệp nhỏ cũng cần thực sự đơn giản.

Ông Cấn Văn Lực – Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Chính phủ cho hay: “Hết sức đơn giản hóa thủ tục nâng cấp lên doanh nghiệp. Ví dụ từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp phải hết sức đơn giản, không cần hội đồng quản trị, ban kiểm soát, chưa chắc đã cần kế toán trưởng, cơ bản họ có 1 giám đốc họ sẽ điều hành. Chúng ta phải đơn giản như vậy”.

Buổi trưa quán cà phê của anh Dương vẫn đông khách. Khi quy trình báo cáo kế toán, đóng thuế thuận tiện, đơn giản, sẽ tạo điều kiện để anh mở rộng cơ sở kinh doanh và thành lập 1 doanh nghiệp nhỏ trong tương lai.

Nghị quyết 68 không chỉ dừng ở những lời kêu gọi hay khẩu hiệu, mà đi vào tận gốc rễ của vấn đề đó là cải cách về mặt thể chế. Năm 2025, yêu cầu đặt ra là phải cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, 30% điều kiện kinh doanh và ít nhất 30% thời gian và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Điểm mới của lần này là tính chất quyết liệt và sự mạnh mẽ của chúng ta. Chúng ta cắt bỏ tất cả những sự phiền hà chứ không đơn giản như những câu từ, ví dụ là “đơn giản hóa”. Thứ 2, thay đổi toàn bộ tư duy về quản lý nhà nước. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, không phải tăng cường hậu kiểm mà ở đây là quản lý nhà nước một cách có hiệu quả, đạt được mục tiêu quản lý nhà nước nhưng không tạo thêm phiền hà cho doanh nghiệp”.

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Đột phá về mặt tư duy phát triển kinh tế tư nhân - Ảnh 3.

Nghị quyết 68 đã phân định rõ trách nhiệm giữa hình sự và hành chính, dân sự; giữa cá nhân và pháp nhân trong xử lý các sai phạm.

Nghị quyết 68 đã đề cập đến một vấn đề, đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đây là vấn đề khó, nhạy cảm, ít được nhắc đến trước đây. Tuy nhiên với Nghị quyết 68, vấn đề này đã được đề cập một cách trực diện, thẳng thắn, cụ thể và chi tiết. Đặc biệt là việc phân định rõ trách nhiệm giữa hình sự và hành chính, dân sự; giữa cá nhân và pháp nhân trong xử lý các sai phạm.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: “Tư duy trong Nghị quyết rất cởi mở, và đổi mới, theo hướng ưu tiên những giải pháp về kinh tế. Nếu trong thực tiễn áp dụng mà có thể áp dụng giữa pháp luật hình sự về pháp luật khác, về kinh tế, dân sự, hành chính thì kiên quyết áp dụng những lĩnh vực khác. Hay là tách rời cá nhân và doanh nghiệp thì điều này cũng đã tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc thực hiện”.

Nhiều chuyên gia nhận định khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi, trong đó có 3 bước ngoặt lớn. Giai đoạn 1986 – 1990, chúng ta chuyển 1 bước, từ việc coi khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng cải tạo, sang việc thừa nhận và cho phép hoạt động trong một số lĩnh vực, ngành nghề. Bước ngoặt thứ 2 là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp giai đoạn 1999 – 2000, đã có 1 bước chuyển lớn về mặt thể chế, từ chỗ doanh nghiệp chỉ được làm những gì nhà nước cho phép sang việc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Đến giai đoạn thứ 3 được kỳ vọng chính là Nghị quyết 68. Nếu bước ngoặt đầu tiên là sự thừa nhận, bước ngoặt thứ hai tạo ra được sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp, thì Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tạo ra một sự thay đổi cả về lượng và chất cho khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Nghị quyết 68 không chỉ là định hướng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, mà còn là nền tảng tạo dựng niềm tin cho người dân và doanh nghiệp – để họ tin rằng khởi nghiệp là con đường chính đáng, làm giàu là điều được khuyến khích, đổi mới sáng tạo là đòn bẩy của phát triển, và pháp luật là chỗ dựa an toàn cho mọi nỗ lực cống hiến của người dân và doanh nghiệp.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan