Trang chủ kinh-te Nhà ở xã hội: Giấc mơ có thật nhưng có dễ chạm tay?

Nhà ở xã hội: Giấc mơ có thật nhưng có dễ chạm tay?

bởi Admin
0 Lượt xem

Khó mua nhà

Một căn hộ 60m2 hiện nay có giá từ 4 tỷ đến 7 tỷ đồng, tuỳ vào khu vực và phân khúc, tức mỗi m2 nhà đang “ngốn” từ 70 đến hơn 130 triệu đồng. Với mức lương 15 triệu đồng/tháng, đây là mức thu nhập khá phổ biến của nhóm công nhân, viên chức, người trẻ ở đô thị sẽ cần ít nhất 22 – 25 năm tiết kiệm toàn bộ thu nhập, có nghĩa là không ăn, không tiêu, không ốm đau, không cưới hỏi… mới đủ chạm tay vào căn nhà mơ ước.

Còn khi thu nhập phải tăng lên gấp đôi 30 triệu đồng/tháng trừ đi chi tiêu và chỉ để dành được hơn một nửa mỗi tháng thì giấc mơ nhà ở vẫn cách xa khoảng 20 năm. Nhà thì có thể vẫn ở đó nhưng cơ hội có được đang ngày một xa với phần đông người lao động ở thành thị.

Hà Nội bán nhà ở xã hội 16 triệu đồng/m2

Lúc này, một giải pháp xuất hiện mang tên là nhà ở xã hội. Gần đây, ở Hà Nội, báo chí nhắc nhiều đến một dự án nhà ở xã hội tại quận Long Biên, với mức giá 16 triệu đồng/m2. Dự án này có tổng số căn hộ là hơn 1.500 căn. Trong đó, có trên 100 căn là nhà ở thương mại và gần 1.400 căn là nhà ở xã hội.

Trong số những căn nhà ở xã hội, còn trên 300 căn cho người dân đủ điều kiện thuê mua. Theo chủ đầu tư, có 301 căn sẽ được chuyển bán cho các khách hàng đã thuê nhà đủ 5 năm tại dự án. 7 căn còn lại chưa có người thuê sẽ được mở bán cho nhiều nhóm khách hàng hơn theo quy định.

Thuê – mua nhà ở xã hội: Giải pháp cho giấc mơ an cư

Một căn hộ nhà ở xã hội rộng 70m2, 3 phòng ngủ, mức thuê 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là tổ ấm của vợ chồng chị Thảo (Hà Nội) và ba con nhỏ suốt 5 năm qua. Chị đã đóng trước gần 50% giá trị căn hộ, phần còn lại được trả dần mỗi tháng dưới hình thức thuê. Sau 5 năm, nếu muốn, chị có thể mua lại với mức giá đã cam kết từ đầu, khoảng 1 tỷ đồng.

5 năm trước, lựa chọn thuê – mua chưa phổ biến. Nhưng với gia đình anh Ngô Duy Huấn (Hà Nội), đây lại là giải pháp tài chính trong thời điểm đó. Với thu nhập dưới 15 triệu/tháng, việc mua đứt một căn hộ gần 1 tỷ là điều không tưởng. Hình thức thuê rồi mua giúp anh chủ động tích luỹ dần, không cần vay ngân hàng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 3 dự án nhà ở xã hội áp dụng hình thức thuê – mua gồm: Khu đô thị Đặng Xá 2 (Gia Lâm), Khu nhà ở Thạch Bàn (Long Biên), Khu nhà ở xã hội Phú Lãm (Hà Đông). Giá bán sau 5 năm dao động từ 7,6 – 13,6 triệu đồng/m2, tức chỉ cần vài trăm triệu đến xấp xỉ 1 tỷ đồng là có thể sở hữu căn hộ.

Nhiều dự án nhà ở xã hội có 20% quỹ căn được xây dựng để cho thuê, sau 5 năm nếu người thuê có nhu cầu thì sẽ được mua lại. Hình thức này rất phù hợp với các hộ gia đình trẻ, chưa có sẵn nguồn tài chính lớn hoặc chưa sẵn sàng vay ngân hàng.

Điều kiện mua nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội: Giấc mơ có thật nhưng có dễ chạm tay? - Ảnh 2.

Theo Đề án 338 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Ảnh minh họa.

Dù là chọn hình thức thuê trước mua sau hay mua ngay từ đầu với nhà ở xã hội, người mua cũng cần đáp ứng đủ điều kiện. Từ đầu năm 2024, Luật Nhà ở sửa đổi đã có hiệu lực, trong đó quy định rõ các tiêu chí để được mua nhà ở xã hội, bao gồm ba nhóm: Về thu nhập, cư trú và tình trạng nhà ở hiện tại.

Để được mua nhà ở xã hội, người mua cần đáp ứng đủ 3 nhóm điều kiện: Thu nhập – cư trú – nhà ở hiện tại.

Về thu nhập: Theo Luật Nhà ở sửa đổi, người độc thân phải có thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng. Trường hợp hộ gia đình có 2 vợ chồng, tổng thu nhập không vượt quá 30 triệu đồng/tháng. Cả hai cũng cần chứng minh chưa có nhà ở.

Về cư trú: Trước đây, tại những nơi như Hà Nội, người mua phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 1 năm. Tuy nhiên, quy định này nay đã được bãi bỏ, mở rộng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội cho nhiều người hơn.

Về tình trạng nhà ở hiện tại: Một số người thắc mắc: “Đã có nhà rồi có được mua nhà ở xã hội không?” Câu trả lời là có thể, nếu diện tích nhà ở bình quân đầu người dưới 15m²/người và thuộc diện thu nhập thấp, chưa từng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà đất dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều kiện đã có nhưng để người thu nhập thấp thực sự có cơ hội mua nhà thì còn một yếu tố quan trọng nữa đó là nguồn cung. Bởi không phải ai đáp ứng đủ tiêu chí cũng có sẵn căn hộ để mua. Theo Đề án 338 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Trong đó, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi nơi phải hoàn thành 100.000 căn.

Mất tiền vì mua nhà ở xã hội qua môi giới

Nhà có, chính sách đã có, nhưng khi nhu cầu tăng, thị trường nhà ở xã hội lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho các chiêu trò trục lợi. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội mới đây đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến Công ty Tân Nhật Phát, một đơn vị môi giới được cho là đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền của người dân. Chỉ bằng một lời hứa “mua nhà ở xã hội không cần bốc thăm”, nhiều người đã mất trắng toàn bộ số tiền tích cóp cả đời.

Theo lời chào mời từ Công ty Tân Nhật Phát, ngoài giá gốc căn hộ, người mua nhà sẽ phải mất thêm từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng để có được suất mua nhà ở xã hội, mà không cần phải bốc thăm. Tuy nhiên, đến thời hạn cam kết, nhà thì không thấy đâu, mà tiền cũng không thể đòi lại được.

Thực tế cho thấy, mặc dù các chủ đầu tư đã liên tục khuyến cáo người dân có nhu cầu nên tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin chính thống như từ Sở Xây dựng hay chủ đầu tư dự án, nhưng những vụ việc mất tiền do tin theo môi giới vẫn đang diễn ra.

Thời gian gần đây, thông tin về việc nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án NO1 Hạ Đình (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng đang thu hút sự quan tâm lớn. Tuy nhiên, sức nóng của dự án cũng kéo theo nhiều thông tin nhiễu loạn, thay vì hoạt động chào bán công khai tại cổng dự án như mọi khi thì lần này có sự xuất hiện của các dịch vụ chào mời làm hồ sơ mua nhà ở xã hội trọn gói trên không gian mạng.

Dự án được khởi công ngày 5/12/2024. Hiện nay, dự án đang tiến hành thi công xây dựng phần cọc. Dự kiến, dự án mở bán vào quý IV/2025; hoàn thành đưa vào sử dụng quý IV/2027. Theo chủ đầu tư, qua các kênh phương tiện thông tin xã hội gần đây, việc một số trang thông tin bất động sản, các hội nhóm giao dịch bất động sản thường xuyên đăng tải thông tin về việc mở bán, tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở, tư vấn, đặt cọc mua nhà tại dự án là giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.

Chính sách đã có, điều kiện đã cởi mở hơn, mô hình thuê – mua cũng đang mở ra thêm lựa chọn. Điều người dân cần lúc này không chỉ là thêm nhiều dự án như thế, mà còn là sự minh bạch trong thông tin, công bằng trong tiếp cận và đúng đắn trong thực thi, để giấc mơ có nhà không còn là phép tính kéo dài hàng chục năm nữa.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan