Thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giảm mức thuế nhập khẩu mạnh nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể làm giảm tác động của cuộc chiến thương mại giữa hai nước, mặc dù mức thuế vẫn còn cao và sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Adriana Kugler cho biết, việc tạm dừng áp thuế nhập khẩu trong 90 ngày ở mức có thể đe dọa đóng cửa thương mại song phương sẽ làm giảm khả năng ngân hàng trung ương Mỹ cần phải hạ lãi suất để ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế.
Bà Kugler phát biểu tại hội nghị chuyên đề của Ngân hàng Trung ương Ireland ở Dublin rằng kết quả của các cuộc họp cuối tuần giữa các quan chức Trung Quốc và Mỹ “rõ ràng là … có sự cải thiện về mặt thương mại giữa hai nước”.
Bà cho biết mức thuế quan hiện là 30% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong 90 ngày tới vẫn “khá cao” và bà dự đoán “chắc chắn giá cả sẽ tăng và nền kinh tế sẽ chậm lại” do tác động này.
Adriana Debora Kugler là một nhà kinh tế học người Mỹ, hiện là thành viên của Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang
Nhưng Kugler dự kiến những tác động đó sẽ ít hơn. “Theo một nghĩa nào đó, quan điểm cơ bản của tôi có thể đã thay đổi về mức độ chúng ta cần sử dụng các công cụ của mình và quy mô”, bà nói.
Trong những bình luận riêng gửi cho tờ New York Times, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee đồng ý rằng thỏa thuận cuối tuần sẽ làm giảm tác động của thuế quan lên nền kinh tế – ở thời điểm hiện tại.
“Chắc chắn là nó ít tác động đến tình trạng đình lạm hơn so với con đường mà họ đã đi”, Goolsbee nói với tờ báo. Tuy nhiên, mức thuế quan đó “cao hơn từ 3-5 lần so với trước đây, vì vậy nó sẽ có tác động đình lạm đối với nền kinh tế. Nó sẽ làm tăng trưởng chậm lại và làm giá cả tăng lên”.
Các nhà đầu tư đã giảm cược vào hôm 12/5 rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu mùa hè này, với mức cắt giảm lãi suất ban đầu là 0,25 điểm phần trăm hiện không được kỳ vọng cho đến tháng 9 và chỉ dự kiến giảm tổng cộng là 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm 2025. Trước khi tạm dừng áp thuế quan được thỏa thuận vào cuối tuần, việc cắt giảm lãi suất của Fed dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7.
Tuần trước, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thiết lập chính sách của Fed đã giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 4,25%-4,50% kể từ tháng 12/2024. Các nhà hoạch định chính sách cho biết họ khó có thể thay đổi cho đến khi rõ ràng liệu thuế quan có dẫn đến vấn đề lạm phát mới hay làm suy yếu tăng trưởng và gây ra rủi ro cho thị trường việc làm, điều này bảo đảm việc giảm chi phí đi vay hay không.
Khả năng thứ ba – một giải pháp đàm phán dẫn đến mức tăng lạm phát hạn chế hơn và duy trì tăng trưởng theo đúng lộ trình – đã được nêu bật trong tuyên bố hòa hoãn chiến tranh thương mại được công bố vào cuối tuần.
“Ngay cả với lệnh hoãn này, thuế quan vẫn cao hơn nhiều so với trước đây, do đó triển vọng thuế quan vẫn sẽ khiến lạm phát trong ngắn hạn tăng cao hơn 2%”, các nhà kinh tế tại công ty tư vấn của cựu Thống đốc Fed Larry Meyers cho biết, đây là lý do khiến Fed tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất. Việc hoãn lại này sẽ làm giảm khả năng thị trường lao động suy thoái đủ nghiêm trọng để FOMC phải nới lỏng chính sách bất chấp lo ngại về lạm phát gia tăng.
Bên cạnh đó, bà Kugler cho biết xung đột thương mại vẫn có thể gây ra những tác động sâu sắc đối với Mỹ, bao gồm cả việc ảnh hưởng đến danh tiếng có thể khiến các nhà đầu tư chuyển sang nơi khác.
“Về trung hạn, nếu tình trạng này kéo dài, tôi nghĩ vấn đề mà tôi cần quan tâm là làm thế nào để sắp xếp lại chuỗi cung ứng… nếu ở phần còn lại của thế giới, một số người bắt đầu cảm thấy rằng họ không tìm thấy đối tác đáng tin cậy ở đầu bên kia”, bà nói.
Điều này cũng đặt ra những vấn đề cấp bách cho Fed ngay cả khi họ không biết được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hay không, vì dữ liệu gần đây đã bị bóp méo rất nhiều do các công ty và hộ gia đình vội vã trốn thuế nhập khẩu.
Sản lượng giảm trong quý đầu tiên, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do lượng nhập khẩu tăng kỷ lục. Kugler cho biết: “Hiện tại, rất khó để đánh giá tốc độ tăng trưởng cơ bản của nền kinh tế Mỹ”.
Việc trì hoãn thuế quan Mỹ – Trung tạo lý do mới để Fed giữ nguyên lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thêm lý do để tiếp tục giữ lãi suất khi việc trì hoãn các mức thuế quan khắc nghiệt nhất trong cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump với Trung Quốc dường như làm giảm khả năng xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ, điều có thể buộc ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Với lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và hợp đồng tương lai chứng khoán chỉ ra mức giá cổ phiếu cao hơn, các nhà giao dịch hợp đồng liên quan đến lãi suất chuẩn của Fed đã điều chỉnh dự đoán giảm lãi suất lần đầu vào tháng 9 và chỉ dự báo giảm nửa điểm phần trăm vào cuối năm.
Đồng USD tăng sau thông báo về việc giảm thuế quan tạm thời cũng sẽ giúp kiềm chế lạm phát, tất cả các yếu tố khác không đổi.
Vào tuần trước, Fed đã giữ mức mục tiêu lãi suất ngắn hạn trong khoảng 4,25%-4,50%. Chủ tịch Jerome Powell cho biết với ít dấu hiệu cho thấy thuế quan đang làm chậm lại thị trường lao động nhưng lạm phát vẫn vượt mục tiêu 2% của Fed, quyết định đúng đắn hiện nay là giữ nguyên lãi suất cho đến khi có thêm sự rõ ràng.
Các thị trường trước đó dự báo Fed sẽ cần cắt giảm lãi suất vào tháng 7 và đã định giá tổng cộng ba lần giảm lãi suất 0,25% trong năm nay, dựa trên giao dịch hợp đồng tương lai của lãi suất chính sách của Fed. Những kỳ vọng này đã thay đổi sau khi các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc cho biết họ sẽ giới hạn mức tăng thuế ban đầu trong 90 ngày trong khi thảo luận về một thỏa thuận toàn diện hơn.
Việc Mỹ giảm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% “giảm đáng kể rủi ro thiếu hụt hàng hóa và lạm phát cao,” các nhà phân tích từ Citi cho biết. “Fed giờ đây có thể dễ dàng duy trì thái độ ’kiên nhẫn”./.
Nguồn: VTV