Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị “Asian Banking & Finance and Insurance Asia Summit” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Ngành dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 4,9% GDP. Các chuyên gia cho rằng, để Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngành tài chính cần tăng tốc “chuyển đổi số” để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Thông tin trên đã được các chuyên gia cho biết tại Hội nghị “Asian Banking & Finance and Insurance Asia Summit” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ngành ngân hàng số, bảo hiểm số đang định hình lại bức tranh tài chính toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Với 32 triệu ví điện tử đang hoạt động, ngân hàng số và các dịch vụ tài chính khác có liên quan như bảo hiểm, tư vấn tài chính đang dần trở thành công cụ thiết yếu nhằm mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Chubb Life Việt Nam, cho rằng thách thức lớn nhất của ngành bảo hiểm là xây dựng niềm tin, đây là lĩnh vực liên quan đến những tình huống nhạy cảm và mang tính cá nhân cao trong đời sống. “Chúng tôi ứng dụng công nghệ như blockchain và AI để nâng cao khả năng tích hợp dữ liệu, đồng thời vẫn đảm bảo quyền riêng tư của từng cá nhân,” ông Sơn nói.
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng một bộ phận lớn dân số Việt Nam – ước tính khoảng 60% đến 70% – vẫn thuộc nhóm chưa được phục vụ đầy đủ bởi các dịch vụ tài chính chính thức.
Ông Santhosh Mahendiran, Giám đốc Dữ liệu và Phân tích của Techcombank, nhấn mạnh rằng ngân hàng đang theo đuổi chiến lược chuyển đổi số táo bạo với trọng tâm là đổi mới sáng tạo, công nghệ và nhân lực. “Nếu bạn muốn tiếp cận được tầng lớp khách hàng ở đáy kim tự tháp, thì nhất định phải đầu tư vào số hóa, dữ liệu và con người.”, ông Santhosh Mahendiran, khẳng định.
Các tổ chức tài chính cũng đang hướng tới cung cấp dịch vụ siêu cá nhân hóa, chuyển đổi từ các giải pháp tự động đơn giản sang trải nghiệm tương tác thông minh dựa trên AI. Năm ngoái, các ngân hàng đã chi tổng cộng 31,3 tỷ USD cho các giải pháp Gen AI. Con số này được dự báo sẽ đạt 40 tỷ USD trong năm 2025 và vượt 81 tỷ USD vào năm 2028.
Nguồn: VTV