Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông tin về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) để luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trên các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Việc sửa đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo NHNN, cơ sở để sửa đổi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng đó là hiện nay tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 – vốn được xem là một thí điểm quan trọng trong xử lý nợ xấu
Trong bối cảnh đó, việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 – vốn được xem là một thí điểm quan trọng trong xử lý nợ xấu, hết sức cần thiết để xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, dài hạn và có tính ràng buộc cao hơn. Động thái này không chỉ giúp các TCTD và tổ chức xử lý nợ có đủ công cụ pháp lý để thực hiện quyền lợi hợp pháp mà còn đảm bảo quyền lợi cho bên đi vay, tạo sự cân bằng và minh bạch trong mối quan hệ tín dụng.
Đây cũng là sự cụ thể hóa các định hướng chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Trung ương trong việc xác định nhiệm vụ then chốt là tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy cơ cấu lại hệ thống tín dụng, xử lý triệt để nợ xấu và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính.
Theo NHNN, tại Tờ trình số 270/TTr-CP ngày 22/5/2023, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội quy định tại dự thảo Luật: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định các khoản TCTD vay đặc biệt từ NHNN, với lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại Thông báo số 3267/TB-TTKQH ngày 11/01/2024 và số 3285/TB-TTKQH ngày 14/01/2024) cũng như ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 với quy định cụ thể tại Điều 193. Theo đó, khoản 4 Điều này quy định Thủ tướng Chính phủ là người quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN đối với các khoản vay có lãi suất 0%/năm, các khoản vay không có tài sản bảo đảm đối với TCTD, trên cơ sở đề xuất của NHNN.
Việc này không chỉ phù hợp với thực tiễn điều hành tài chính, tiền tệ vốn đòi hỏi tính phản ứng nhanh và linh hoạt, mà còn giúp giảm bớt các thủ tục hành chính mang tính trung gian, rút ngắn thời gian phản ứng chính sách trong bối cảnh cần hỗ trợ kịp thời cho các TCTD yếu kém, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của hệ thống ngân hàng như một “đòn bẩy tài chính” cho tăng trưởng, đặc biệt trong giai đoạn “tăng tốc và bứt phá” như năm 2025 – năm bản lề để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên. Do đó, hoàn thiện thể chế pháp lý để ngân hàng phát huy vai trò này một cách an toàn, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết.
Bên cạnh yếu tố xử lý nợ xấu, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng cũng đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện cơ chế cho thị trường mua bán nợ, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, giải quyết sở hữu chéo và thúc đẩy minh bạch hóa hoạt động tín dụng. Điều này giúp khơi thông nguồn vốn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý cho doanh nghiệp và người dân, tạo yếu tố quan trọng để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng và đầu tư.
Ngoài ra, khung pháp lý mới cũng hướng đến mục tiêu hài hòa giữa lợi ích của các bên tham gia quan hệ tín dụng, từ TCTD, tổ chức mua bán nợ, người đi vay đến các bên bảo đảm. Cân bằng lợi ích này là nền tảng để phát triển thị trường tài chính một cách bền vững và có trật tự, phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Được biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD cũng bổ sung quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 193 Luật Các TCTD hiện hành để điều chuyển thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN. Theo đó, NHNN quyết định cho vay đặc biệt (có hoặc không có tài sản bảo đảm) đối với tổ chức tín dụng; lãi suất cho vay đặc biệt của NHNN là 0%/năm.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD hiện hành được kỳ vọng sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tính nhân văn khi thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Theo giới chuyên gia tài chính việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, dự thảo luật cần làm rõ tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật khi luật hóa các quy định này với các luật hiện hành như Hiến pháp 2013, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án dân sự…
NHNN cũng cho biết, vừa qua tại công văn số 2923/VPCP-KTTH ngày 08/4/2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo NHNN “Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi các nội dung quy định về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản đảm bảo tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD nêu trên, theo đó, nghiên cứu quy định theo hướng phân cấp, phân quyền, giao NHNN xem xét, quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có TSBĐ để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật”.
Nguồn: VTV