Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn siêu dài đã tăng đều đặn kể từ tháng 4, ngay cả khi lợi suất của các kỳ hạn khác vẫn ổn định. Đầu tuần này, lợi suất trái phiếu 40 năm chạm mức cao kỷ lục 3,44%. Sự gia tăng này phản ánh phần nào lo ngại của thị trường về tình hình tài chính ngày càng xấu đi của Nhật Bản, trong bối cảnh các nhà lập pháp đang đẩy mạnh kêu gọi chi tiêu công lớn và cắt giảm thuế trước cuộc bầu cử thượng viện dự kiến diễn ra vào tháng 7. Theo các nhà phân tích, sự tăng vọt gần đây của lợi suất trái phiếu siêu dài có thể gây sức ép thúc đẩy BoJ tinh chỉnh cơ cấu trái phiếu mà ngân hàng này mua.
Bên cạnh đó, ông Toyoaki Nakamura, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), ngày 16/5 cho biết ngân hàng này phải tạm hoãn việc tăng lãi suất. Bên cạnh đó, ông cảnh báo chính sách thuế quan của Mỹ sẽ làm gia tăng sức ép suy giảm đối với nền kinh tế.
Ông Nakamura cho rằng BoJ phải điều hành chính sách tiền tệ “thận trọng” và đặc biệt lưu ý đến tác động từ sự thiếu chắc chắn trong chính sách thương mại của Mỹ đối với hoạt động của doanh nghiệp và hộ gia đình.
Trong một bài phát biểu, ông Nakamura nhấn mạnh kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với sức ép suy giảm ngày càng gia tăng khi mức thuế quan cao của Mỹ, đặc biệt đối với ngành ô tô then chốt, có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ông Nakamura lưu ý thêm việc BoJ vội vàng tăng lãi suất khi kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể kiềm chế tiêu dùng và đầu tư.
Theo dữ liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 16/5, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản trong quý I/2025, đã giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý suy giảm đầu tiên kể từ quý I/2024. Nguyên nhân chủ yếu là do chi tiêu tiêu dùng vẫn yếu trong bối cảnh lạm phát tăng cao, cùng với việc gia tăng nhập khẩu gây áp lực đối với tăng trưởng kinh tế.
Dữ liệu GDP mới nhất của Nhật Bản được công bố trong bối cảnh Thủ tướng Shigeru Ishiba và chính phủ thiểu số của ông đang chuẩn bị một gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ người dân trước tác động của lạm phát và thuế quan từ Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo tăng trưởng của Nhật Bản có thể tiếp tục chậm lại trong quý II/2025 hoặc các quý tiếp theo, tùy thuộc vào tiến triển của các cuộc đàm phán với Mỹ.
Nguồn: VTV