Trang chủ kinh-te Có buông lỏng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Có buông lỏng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

bởi Admin
0 Lượt xem

Điểm mặt những thủ đoạn buôn lậu, hàng giả

Thời gian qua, dù các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày một tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên nền kinh tế, gây suy giảm lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp.

Mới đây, hai container hàng hóa được làm tờ khai Hải quan để xuất khẩu đi Australia. Toàn bộ hàng hóa theo khai báo ghế thay giày, ghế sofa, giường xếp gấp gọn, dép cao su đi trong nhà. Tuy nhiên kiểm tra thực tế hàng hóa thì toàn bộ hàng hóa trên lại là thuốc lá điếu.

Ông Phan Quốc Đông – Phó Chi cục trưởng Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải Quan cho biết: “Các thủ đoạn tập trung chủ yếu là gian lận hồ sơ Hải quan, khai báo sai, khai báo không phù hợp và áp dụng các phương thức vận chuyển vòng vèo cũng như cất giấu trên các phương tiện khi thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh. Buôn lậu, gian lận thương mại tập trung ở các cảng hàng không quốc tế, tuyến biên giới, tại các cảng biển lớn”.

Có buông lỏng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả - Ảnh 2.

Trên tuyến biên giới biển, với một số chiếc tàu đang hoạt động nếu thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ đó là chiếc tàu dùng để khai thác thủy sản. Tuy nhiên trên tàu chẳng có nổi bất cứ một ngư cụ nào cả. Thay vào đó là những ống hút, trụ bơm và những bể chứa đầy dầu DO. Theo thuyền trưởng, mỗi chuyến như vậy, chủ tàu lãi khoảng 40-50 triệu đồng.

“Các đối tượng sử dụng các phương tiện chủ yếu là tàu nghề cá sau đó cải hoán để vận chuyển xăng dầu. Vừa qua các lực lượng chức năng Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ rất nhiều vụ. Trong quý I năm 2025 lực lượng Biên phòng đã bắt giữ gần 500 đối tượng, tang vật là vàng, ma túy, xăng dầu, hàng đông lạnh, gia cầm, thuốc lá và đường”, Thiếu Tướng Đỗ Ngọc Cảnh – Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Biên Phòng cho hay.

Trong nội địa, diễn ra hoạt động sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm như rượu, bia, bánh, kẹo, thực phẩm, thậm chí cả thuốc chữa bệnh.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 2 năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 295.000 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; gian lận thương mại, cũng như sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, thu nộp ngân sách nhà nước gần 30.000 tỷ đồng.

Tăng cường nắm thông tin thị trường

Tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã đến hồi báo động. Trước thực trạng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện 65, chính thức mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, trong vòng 1 tháng kể từ ngày 15/5 cho đến ngày 15/6/2025. Đồng thời, Lập 1 tổ công tác công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng, ở địa bàn các tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm tổ trưởng.

Phản hồi về chỉ đạo này của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc cho rằng: Khung pháp lý quy định để xử lý những vi phạm này cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan đã có. Chỉ cần một giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt như của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ mới đây, đồng thời với các chiến dịch truy quét quy mô lớn, đi kèm với thường xuyên khảo sát, nắm tình hình thị trường, chắc chắn sẽ tạo ra hiệu quả.

Doanh nghiệp khốn đốn vì hàng giả

Trong thời đại công nghệ số, thì hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đang tràn lan trên thị trường, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, trên các nền tảng bán hàng online, các mạng xã hội. Điều này không chỉ đe dọa sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng mà còn khiến nhiều doanh nghiệp hàng thật điêu đứng, làm méo mó thị trường hàng hóa và nền kinh tế thị trường. Quá trình đấu tranh với các sản phẩm hàng giả cũng gian nan, kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sản xuất, kinh doanh.

Những trang thiết bị y tế của Công ty dược phẩm GAC đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bản quyền năm 2020. Thế nhưng, trên các sàn thương mại điện tử hiện nay đang rao bán tràn lan sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm bản quyền của doanh nghiệp, với giá bán rẻ chỉ bằng 1/3 so với hàng thật.

Thậm chí, tài khoản bán hàng giả còn có lượt bán hàng lên tới hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn lượt, gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã nhiều lần tố cáo tới sàn thương mại điện tử để xử lý nhưng vẫn chưa được dứt điểm.

Theo các doanh nghiệp, quy trình kiểm duyệt hàng hóa trước khi đưa lên sàn của các sàn thương mại điện tử hiện nay khá lỏng lẻo, chỉ mang tính hình thức, rất dễ bị lợi dụng để bán hàng lậu, hàng giả, thậm chí là hàng cấm.

Có buông lỏng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả - Ảnh 3.

Có những doanh nghiệp ra sản phẩm mới, vài hôm sau đã có hàng giả trên sàn thương mại điện tử. Đại diện pháp lý của Tổ chức chống hàng giả React tại Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua một số quy định chống hàng giả còn lạc hậu cần bổ sung, sửa đổi kịp thời đáp ứng với tình hình mới, công tác thực thi còn bỏ sót, chồng chéo.

Vì vậy, với sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác đặc biệt trong chiến dịch truy quét hàng giả trên toàn quốc lần này, doanh nghiệp đặt nhiều hy vọng tình trạng này sẽ được xử lý mạnh tay, hiệu quả.

Chiến dịch truy quét buôn lậu, hàng giả lần này, được kỳ vọng là nếu được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ sẽ tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp, để họ không còn phải khốn đốn vì hàng giả như hiện nay.

Ngày 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, phải làm thường xuyên, toàn diện, không ngừng nghỉ.

Thủ tướng đã nêu rõ nhiều nhiệm vụ trọng tâm với từng bộ, ngành, địa phương. Trong đó phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, không để khoảng trống pháp lý; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách một cách đồng bộ, toàn diện với chế tài xử lý đủ mạnh, đủ răn đe, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm; đẩy mạnh công tác truyền thông.

Để một nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững, chắc chắn không thể có sự tồn tại của các gian lận thương mại, của các hoạt động buôn lậu trốn thuế, hàng giả, hàng gian lận. Đây là giai đoạn mà toàn xã hội, toàn nền kinh tế phải cùng đồng lòng vào cuộc, quyết liệt thực hiện chiến dịch này nhằm đạt một hiệu quả cao nhất cho cộng đồng và nền kinh tế.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan