Nhiều khách hàng Mỹ đã tìm cách nối lại hợp đồng với các đối tác Trung Quốc. Thế nhưng đối tác nhập khẩu không chỉ có khách hàng Mỹ, bởi trong thời gian qua, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã không ngừng mở rộng tìm kiếm sang các thị trường mới và có được thêm bến đỗ cho hàng hóa của mình.
Tại một công ty chế biến măng tre ở huyện Lạc An, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, Giám đốc công ty cho biết họ đã nhận được cuộc gọi đặt hàng từ một khách hàng Mỹ chỉ 30 phút sau khi thỏa thuận thuế quan Mỹ – Trung được công bố tại Geneva. Hiện tại, một số dây chuyền sản xuất đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Ông Chen Zhixiang – Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Guangya, Trung Quốc cho biết: “Hiện tại, chúng tôi không thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu hơn 8.000 thùng hàng của khách hàng Mỹ, vì vậy chúng tôi đã khẩn trương bổ sung thêm một dây chuyền sản xuất khác. Việc sản phẩm của chúng tôi hết hàng trong hơn một tháng cho thấy khách hàng Mỹ rất khó tìm được nguồn măng tre chất lượng cao và giá cả cạnh tranh như vậy bên ngoài Trung Quốc”.
Thỏa thuận tạm thời về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc là tín hiệu tích cực với các nhà xuất nhập khẩu ở cả 2 nước.
Tuy nhiên, trong thời gian căng thẳng thương mại, công ty đã chủ động tìm kiếm các đối tác mới ngoài Mỹ và hiện nay đang đẩy nhanh việc mở rộng sang châu Âu và các thị trường quốc tế khác.
Còn bà Hu Chunxia – Doanh nhân Trung Quốc – sở hữu một cửa hàng đồ thủ công mỹ nghệ tại Chợ Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô – chợ bán buôn hàng tiểu ngạch lớn nhất thế giới, tọa lạc tại thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Trước đó, một lô hàng thủ công mỹ nghệ trị giá 300.000 Nhân dân tệ do một khách hàng Mỹ đặt làm riêng đã không thể giao hàng theo kế hoạch do thuế quan tăng mạnh. Các sản phẩm này sau đó đã được bán sang các thị trường khác.
Bà bà Hu Chunxia cho hay: “Vào thời điểm đơn hàng xuất sang Mỹ bị hủy do thuế cao, chúng tôi lại có khách hàng từ Trung Đông và Hy Lạp. Khi nhìn thấy sản phẩm, họ lập tức ưng ý. Nên khi người mua từ Mỹ hỏi giờ chúng tôi còn hàng tồn kho không, tôi bảo đã bán hết rồi”.
Các công ty ở tỉnh Quảng Đông – đầu tàu kinh tế của Trung Quốc, cũng báo cáo số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng từ nhiều nơi trên thế giới.
“Hôm nay chúng tôi nhận được thêm một vài đơn đặt hàng. Chúng tôi đang duy trì thị phần tại Mỹ dưới 30%”, bà Wang Li – Tổng giám đốc Công ty Nội thất gia đình Maiqijia, Trung Quốc cho hay.
Nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc tin tưởng rằng có thể cung cấp sản phẩm của mình đến ngày càng nhiều thị trường như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Trung Á.
Nguồn: VTV