Trang chủ kinh-te Intel “đấu khẩu” với các cơ quan quản lý EU về khoản tiền phạt chống độc quyền 421,4 triệu USD

Intel “đấu khẩu” với các cơ quan quản lý EU về khoản tiền phạt chống độc quyền 421,4 triệu USD

bởi Admin
0 Lượt xem

Nhà sản xuất chip Mỹ Intel vừa tranh cãi với các cơ quan quản lý chống độc quyền của EU về khoản tiền phạt 376 triệu euro (421,4 triệu USD) được áp dụng gần hai năm trước vì loại trừ các đối thủ khỏi thị trường, với lý do rằng khoản tiền phạt này là không cân xứng và không công bằng.

Vụ việc xảy ra vào năm 2009 khi Ủy ban Châu Âu áp dụng mức phạt kỷ lục khi đó là 1,06 tỷ euro đối với Intel vì chặn đối thủ Advanced Micro Devices.

Từ một hãng sản xuất chip có vốn hóa thị trường lên tới 500 tỷ USD vào năm 2000, giờ đây, giá trị của Intel chỉ còn chưa đầy 1/5 với khoảng 90 tỷ USD.

Intel đã bỏ lỡ bước chuyển sang chip trí tuệ nhân tạo, để vuột mất thị phần chip chuyên dụng vào tay Nvidia và vị trí dẫn đầu về sản xuất chip tiên tiến vào tay TSMC.

Sau khi trải qua nhiều khó khăn, cuối tháng 4 vừa qua, Intel vừa công bố chiến lược về mảng đúc chip với những bước tiến công nghệ mạnh mẽ. Intel cam kết xây dựng nhà máy đúc chip hàng đầu thế giới để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về tiến trình công nghệ hiện đại, quy trình đóng gói tiên tiến, và năng lực sản xuất đảm bảo.

Tuy nhiên, các thẩm phán đã đồng ý với một phần trong quyết định năm 2009 của Ủy ban, thúc đẩy cơ quan giám sát cạnh tranh của EU áp dụng lại khoản tiền phạt 376 triệu euro đối với các khoản thanh toán mà Intel thực hiện cho HP, Acer và Lenovo dừng hoặc trì hoãn các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh trong khoảng thời gian từ tháng 11/2002 đến tháng 12/2006.

Những hành vi như vậy được gọi là hạn chế trần trụi và bị các cơ quan quản lý chống độc quyền phản đối. Sau đó, Intel đã đưa vụ việc trở lại Tòa án chung, yêu cầu hủy bỏ quyết định và hình phạt mới của EU.

Luật sư của Intel cho biết cơ quan thực thi cạnh tranh của EU đã không tính đến phạm vi hạn chế của các hành vi vi phạm liên quan đến HP, Acer và Lenovo.

“Ủy ban không thể duy trì kết luận rằng có một chiến lược chung nhằm loại trừ các đối thủ cạnh tranh khỏi toàn bộ thị trường chip x86. Đây là những động thái chiến thuật hẹp hòi”, Daniel Beard nói với hội đồng gồm 3 thẩm phán. Ông nhấn mạnh thêm: “Những hạn chế trần trụi không thể được coi là có tác dụng ngang bằng với từng hoạt động định giá đã bị lật đổ. Chúng cũng không có cùng loại tác động tích lũy hoặc trọng lượng chiến lược. Chúng, tự chúng, không duy trì được một chiến lược chung cho toàn thị trường”. Beard cho biết Ủy ban đã áp dụng mức phạt “hoàn toàn không cân xứng và không công bằng”.

Cơ quan giám sát của EU đã bác bỏ lập luận của Intel.

Luật sư Pedro Caro de Sousa của Ủy ban cho biết: “Ủy ban đã áp dụng đúng các hướng dẫn về kết luận và khi có nghi ngờ, đã quyết định có lợi cho Intel”. Ông nói: “Mức tiền phạt rõ ràng không tương xứng với mức độ nghiêm trọng trong hành vi của Intel, lên tới 1% doanh thu của công ty trong năm cuối cùng kể từ khi vi phạm và khoảng 0,5% doanh thu hiện tại”.

Sau nhiều quý thua lỗ, Intel đặt kỳ vọng mảng sản xuất bán dẫn sẽ thoát lỗ vào năm 2027 khi tiến trình 14A được đưa vào sản xuất thương mại.

Trong tuần này, Intel cho biết đơn vị sản xuất bán dẫn theo hợp đồng (Foundry) của hãng này hiện vẫn thua lỗ hàng tỉ USD mỗi quý do các khoản đầu tư lớn vào công nghệ quy trình mới và mở rộng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, công ty kỳ vọng đơn vị này sẽ đạt hòa vốn vào năm 2027, trùng thời điểm ra mắt tiến trình sản xuất 14A (tương đương 1,4nm) và bắt đầu sản xuất trên nút 18A-P.

Cả Intel và Ủy ban đều kêu gọi tòa án giải quyết vấn đề bằng cách ấn định mức tiền phạt. Phán quyết dự kiến ​​sẽ có trong những tháng tới.

Trước đó, vào đầu năm 2025, Intel đã nhận được 536 triệu USD từ Ủy ban châu Âu sau cuộc chiến pháp lý kéo dài liên quan đến án phạt chống độc quyền từ năm 2009. Được biết, vụ kiện bắt nguồn từ việc Ủy ban châu Âu cáo buộc Intel đã thực hiện các hành vi phi cạnh tranh từ năm 2002 đến 2007. Theo đó, tập đoàn bị cho là đã sử dụng chính sách giảm giá để gây khó khăn cho đối thủ AMD trong việc tiếp cận các nhà sản xuất máy tính. Tuy nhiên, đến năm 2022, Tòa án chung của Liên minh châu Âu phát hiện những sai sót nghiêm trọng trong phân tích kinh tế của Ủy ban, dẫn đến việc hủy bỏ phần lớn khoản phạt, chỉ giữ lại 386 triệu USD (376 triệu euro). Sau khi phán quyết được hủy bỏ, Intel đã yêu cầu hoàn trả lãi suất trên số tiền phạt ban đầu mà họ đã nộp.

Intel lần đầu tiên bị yêu cầu nộp phạt vào năm 2014, trải qua nhiều vòng kiện tụng và kháng cáo trước khi đạt được phán quyết cuối cùng vào năm 2022. Mặc dù Ủy ban châu Âu lập luận rằng chính sách giảm giá của Intel mang tính độc quyền, tòa án cho rằng Ủy ban đã không chứng minh được tác động tiêu cực rõ ràng đối với thị trường, qua đó củng cố lập trường của Intel trong vụ kiện.

Có thể thấy, việc hoàn trả này đánh dấu hồi kết cho một trong những vụ kiện chống độc quyền “ồn ào” nhất tại EU. Tuy nhiên, nó cũng làm dấy lên câu hỏi về cách Ủy ban châu Âu thực thi luật cạnh tranh, đặc biệt là độ chính xác của các phân tích kinh tế và thời gian kéo dài của các tranh chấp pháp lý.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan