Một số doanh nghiệp cho biết, giá nguyên liệu kim loại từ nhôm thép đã tăng hàng chục % từ cuối năm ngoái. Các doanh nghiệp đang chủ động các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng từ đà tăng này.
Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác HBT Việt Nam cho biết, những thanh nhôm được doanh nghiệp dùng để sản xuất các thiết bị truyền tải điện so với thời điểm cuối năm 2024, giá đã tăng 13%, từ mức 95.000 lên 108.000 đồng hiện nay.
100% nguyên vật liệu của doanh nghiệp được nhập khẩu. Từ cuối tháng 11 năm ngoái, doanh nghiệp đã nhận được thông báo của đối tác cung cấp về việc tăng giá nhôm. Doanh nghiệp phải lựa chọn, hoặc hy sinh lợi nhuận, hoặc tăng giá bán.
Ông Dương Ngọc Hạnh – Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác HBT Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã đàm phán với khách hàng do nguồn nguyên vật liệu tăng lên nên cũng muốn điều chỉnh giá bán tăng lên, nhưng họ cũng chưa trả lời”.
Với nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, việc thiếu nguồn cung nguyên liệu trong nước, đã khiến họ mất đi lợi thế cạnh tranh.
Ông Phùng Duy Phong – Giám đốc Kỹ thuật Công ty HB Tech Vina, Bắc Ninh cho biết: “Linh kiện tiêu chuẩn của sản xuất máy móc công nghệ cao ở nước mình là hoàn toàn không có, phụ thuộc 100% vào nhập khẩu, do vậy cấu thành chi phí tạo ra máy đã tăng khoảng 30 đến 35%. Như vậy, doanh nghiệp đã mất lợi thế so với các doanh nghiệp nước ngoài”.
Trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (VASI) đã bắt tay liên kết để bình ổn giá cả.
Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp JK Việt Nam cho hay: “Một số doanh nghiệp đã liên kết để tìm nguồn mua chung. Thay vì một mình mình mua 100 tấn mỗi tháng, mình có thể gộp 10 doanh nghiệp lại để mua chung thành 1.000 tấn. Như vậy mình có lợi thế đàm phán giá hơn là mua đơn lẻ”.
Báo cáo của S&P Global chỉ ra giá đầu vào, tức các nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp tục tăng trong tháng 3.
Nguồn thép của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu. Năm 2024 đánh dấu kỷ lục nhập khẩu thép, các sản phẩm sắt thép, với kim ngạch hơn 19 tỷ USD. Để chủ động nguồn cung, các chuyên gia đề xuất, cần có những chính sách hình thành chuỗi cung ứng nội địa.
Ông Nguyễn Bích Lâm – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khuyến cáo: “Chúng ta xác định xem những sản phẩm gì là sản phẩm trọng điểm và nhu cầu của thế giới thế nào để có những chính sách tạo dựng, nuôi dưỡng những sản phẩm trọng điểm đó, dần dần thay thế nguồn cung bên ngoài”.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 dự thảo Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, báo cáo Chính phủ trong quý 2 này. Việc xác định được những ưu tiên sản xuất sẽ là cơ sở để chúng ta may đo những chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực.

Nguồn: VTV