Bên cạnh các dự án đường bộ cao tốc, dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, một trong những dự án đường sắt trọng điểm đang được Đảng và Nhà nước chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Bởi đây sẽ là tuyến đường sắt giúp kết nối giao thương hàng hoá từ khu vực cảng biển Hải Phòng qua Trung Quốc để sang các nước châu Âu và ngược lại, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dự án có tuyến chính dài hơn 390km, tốc độ thiết kế 160km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 8,4 tỷ USD, tương đương hơn 203 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cũng đã được Quốc hội ban hành vào tháng 2/2025.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số gói thầu sẽ phải được khởi công vào cuối năm nay. Thời gian không có nhiều, hiện các bộ ngành và các địa phương có dự án đi qua đang tích cực tập trung hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị cho công tác khởi công.
Khu cảng nước sâu Lạch Huyện của Hải Phòng sẽ là điểm cuối mà tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng chạy tới. Với tổng cộng 4 khu ga và 2 trạm tránh tàu, dự án chạy qua địa phận TP Hải Phòng có chiều dài tuyến chính khoảng 46km và hơn 20km của hai tuyến nhánh đến các khu vực cảng Đình Vũ và Nam Đồ Sơn.
Sau khi nhận bàn giao sơ bộ ranh giới dự án từ Bộ Xây dựng vào giữa tháng 3, đến nay, TP Hải Phòng đã bắt tay vào việc rà soát mặt bằng phục vụ dự án, nhu cầu của người dân và vị trí các khu tái định cư.
Ông Nguyễn Đức Thọ – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “Thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đến bây giờ thành phố cũng triển khai bước đầu hết sức quyết liệt. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị triển khai các bước để làm sao trong tháng 12 khởi công dự án chính cũng như dự án tái định cư ở các địa phương”.
Với tổng cộng 4 khu ga và 2 trạm tránh tàu, dự án Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng chạy qua địa phận TP Hải Phòng có chiều dài tuyến chính khoảng 46km và hơn 20km của hai tuyến nhánh đến các khu vực cảng Đình Vũ và Nam Đồ Sơn.
Tuyến đường sắt sẽ đi qua 9 tỉnh, thành phố, được Quốc hội cho phép áp dụng 18 cơ chế chính sách đặc thù tại Nghị quyết 187/2025. Trong đó có các điểm nổi bật như địa phương được ứng trước vốn để giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án mà không cần điều chỉnh quy hoạch liên quan hay áp dụng hình thức chỉ định thầu… Đây được xem là những điều kiện rất thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
“Đây là một dự án có quy mô lớn tính chất kỹ thuật mới lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, quá trình triển khai chuẩn bị chúng tôi đang phải hết sức nỗ lực để cùng với các cục vụ bộ, ngành địa phương phối hợp làm sao rà soát lại toàn bộ các quy định pháp luật để thực hiện dự án một cách khẩn trương và đảm bảo tiến độ”, ông Nguyễn Khánh Tùng – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ Xây dựng cho biết.
Mới đây, tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu, với dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước; phối hợp Bộ Ngoại giao trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán Hiệp định cho dự án.
Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng khi hoàn thành sẽ kết nối với đường sắt Trung Quốc. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông. Với lợi thế chi phí thấp, năng lực vận tải lớn và khả năng kết nối xuyên biên giới, tuyến đường sắt này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội kinh tế cho Việt Nam và khu vực. 18 cơ chế chính sách đặc thù, trong đó đặc biệt là về cơ chế vốn cho dự án sẽ tiếp tục được chúng tôi phân tích trong các chương trình tiếp theo.
Nguồn: VTV