Trang chủ kinh-te Linh hoạt, chủ động ứng phó với chính sách thuế quan mới

Linh hoạt, chủ động ứng phó với chính sách thuế quan mới

bởi Admin
0 Lượt xem

Thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng mạnh

Không nằm ngoài dự đoán, các thị trường chứng khoán đã có phản ứng rất đáng chú ý. Sắc đỏ ghi nhận tại hầu hết các thị trường. Thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch.

Chỉ số Stoxx 600 khu vực giảm hơn 2% lúc 12 giờ trưa 3/4 tại London, Anh. Cổ phiếu các doanh nghiệp bán lẻ lớn với chuỗi cung ứng toàn cầu chịu tác động nặng nề, trong đó cổ phiếu hãng thời trang thể thao Adidas giảm tới 10,9%, hãng vận tải biển Maersk – được coi là phong vũ biểu của thương mại toàn cầu, cổ phiếu cũng mất 10,3%.

Thị trường chứng khoán châu Á Thái Bình Dương cũng không ngoại lệ. Các chỉ số chủ chốt đều sụt giảm. Dẫn đầu là NIKKEI 225 của Nhật Bản với mức giảm hơn 2,7%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm hơn 1,5%.

Chứng khoán Mỹ khởi đầu ngày giao dịch lao dốc mạnh. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 3,5%, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2022. Dow Jones mất hơn 3%, Nasdaq giảm hơn 4%. Cổ phiếu các hãng nhập khẩu nhiều hàng hoá từ các nước khác như Five Below, Dollar Tree và Gap giảm mạnh từ 8% tới gần 20%. Mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4 và mức thuế bổ sung sẽ được áp dụng với những nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vừa trải qua một phiên giao dịch xác lập nhiều kỷ lục khi áp lực bán mạnh khiến chỉ số VN-Index đóng cửa với mức giảm gần 88 điểm qua đó lùi xuống dưới 1.230 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất lịch sử của VN-Index tính theo số tuyệt đối.

Trong phiên 3/4, gần 1.100 mã giảm điểm, trong đó có đến gần 500 cổ phiếu giảm sàn. Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị khớp lệnh lên đến hơn 42.000 tỷ đồng.

Theo thống kê, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2000, chứng khoán Việt Nam đã trải qua tổng cộng 15 phiên giảm trên 50 điểm. Đánh giá về phiên giảm điểm ngày 3/4, nhiều chuyên gia cho biết, trước một sự kiện có tính bất ngờ như các mức thuế quan của Mỹ, thị trường thường sẽ có phản ứng ngoài kiểm soát. Điều quan trọng bây giờ là quản trị danh mục để hạn chế bớt rủi ro trong ngắn hạn và chờ các diễn biến tích cực hơn trong trung và dài hạn.

Lý giải công thức áp thuế của Mỹ

Sau những phản ứng của thị trường, điều mà nhiều nhà đầu tư và các nhà xuất khẩu quan tâm lúc này là các mức thuế cụ thể Nhà Trắng sẽ áp lên hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia đối tác từ ngày 9/4 tới và cơ chế để Mỹ đưa ra các mức thuế đó.

Ví dụ, mức thuế mà chính quyền Mỹ cho rằng Campuchia áp lên hàng hoá Mỹ là 97% và Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp lại với mức 49%. Vậy những con số này được tính toán ra sao?

Theo dữ liệu mới nhất do Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đăng tải, đây là công thức toán học để tìm ra những con số áp thuế và con số đáp trả.

Linh hoạt, chủ động ứng phó với chính sách thuế quan mới - Ảnh 2.

Có thể thấy, về mặt kỹ thuật con số này không hề đơn giản. Để tính toán mức thuế đối ứng, dữ liệu xuất nhập khẩu từ Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ (U.S. Census Bureau) năm 2024 đã được sử dụng. Các giá trị tham số đã được lựa chọn. Đó là công thức tính do Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ đưa ra và thuần theo cách tính toán học.

Theo chuyên trang CNBC, công thức này có thể tóm gọn lại như sau: Thuế quan = Thâm hụt thương mại song phương/Tổng giá trị nhập khẩu hàng hoá từ nước đó.

Linh hoạt, chủ động ứng phó với chính sách thuế quan mới - Ảnh 3.

Nhưng tài liệu do Nhà Trắng công bố thì giải thích rõ hơn về khía cạnh thương mại. Theo đó, ở mức cơ sở, Mọi quốc gia đều bị áp thuế 10% kể từ 5/4/2025. Đây là mức khởi điểm, gọi là Tariff Base = 10%. Bước tiếp theo, xác định các nước có thâm hụt lớn. Đối với các nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ (ví dụ như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản…), mức thuế sẽ tiếp tục tăng, trên cơ sở đối ứng.

Linh hoạt, chủ động ứng phó với chính sách thuế quan mới - Ảnh 4.

Các yếu tố ảnh hưởng tới mức thuế áp lên mỗi quốc gia gồm có:

– Mức chênh lệch thuế quan hiện tại. Ví dụ, Mỹ áp dụng mức thuế 2,5% đối với nhập khẩu xe chở khách trong khi Liên minh châu Âu áp thuế 10% và Ấn Độ áp thuế tới 70%, cao hơn nhiều đối với cùng một sản phẩm.

– Rào cản phi thuế: tiêu chuẩn kép, hạn chế nhập khẩu, kiểm định trùng lặp

– Chính sách thao túng tiền tệ, thuế VAT cao

– Tổng thâm hụt hàng hóa song phương

Dựa trên những dữ liệu này mà có những mức thuế khác nhau áp lên các quốc gia đối tác thương mại của Mỹ.

Bình tĩnh ứng phó với biến động thuế quan

Các biện pháp thuế quan của Mỹ đang vấp phải sự phản đối, thậm chí là tuyên bố sẵn sàng đáp trả của nhiều nền kinh tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng đã gợi ý rằng, các đối tác thương mại của nước này nên hướng tới việc đàm phán thay vì trả đũa.

Linh hoạt, chủ động ứng phó với chính sách thuế quan mới - Ảnh 5.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới trong sự kiện tại Vườn Hồng Nhà Trắng vào ngày 2/4 (Ảnh: AFP)

Việt Nam cũng nằm trong danh sách bị Hoa Kỳ áp thuế, với mức thuế lên tới 46%. Theo ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, sắc lệnh thể hiện quan điểm xuyên suốt của chính quyền đương nhiệm tập trung việc áp dụng các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ với mục đích giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại trong thời gian dài. Đối thoại các cấp giữa hai nước, nhất là của Bộ trưởng Công Thương, đặc phái viên Thủ tướng sang Hoa Kỳ, cho thấy thiện chí của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách thương mại công bằng; Việt Nam là một đối tác thương mại có trách nhiệm với Hoa Kỳ và các nước; nhấn mạnh những động thái của Việt Nam thời gian gần đây là rất tích cực trong việc củng cố niềm tin và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho rằng, các nhóm hàng chịu tác động bao gồm: thủy sản, nhựa, cao su, gỗ, giấy, bột giấy, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử…

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khiến phía Hoa Kỳ công bố áp dụng mức thuế đối ứng 46% với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là thông tin được đại diện Bộ Tài chính cung cấp trong buổi Họp báo quý I vừa diễn ra chiều 3/4.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện nay phần lớn mặt hàng Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam chỉ chịu mức thuế suất dưới 15%, thấp hơn nhiều mức thuế đối ứng 46% mà Hoa Kỳ đưa ra. Vì vậy, mức thuế đối ứng này không xuất phát từ các yếu tố thuế thuần túy.

Theo đại diện Bộ Tài chính, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025 giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối 16 nhóm mặt hàng. Đây là nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc cân bằng thương mại đối với các đối tác chiến lược toàn diện nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ sang làm việc với Chính phủ Hoa Kỳ để kiên trì tìm giải pháp tìm ra điểm cân bằng phù hợp. Hiện mức thuế suất mà phía Hoa Kỳ công bố chỉ là mức tối đa dự kiến áp dụng còn từng mặt hàng ra sao, lộ trình áp dụng ra sao thì vẫn chưa có cụ thể.

Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực ứng phó với chính sách thuế đối ứng

Chính sách thuế đối ứng dự kiến gây ra những thách thức nhất định đối với các ngành hàng chủ lực của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đơn cử như với ngành dệt may, da giày, thị trường này chiếm đến hơn 50% kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngay lập tức đã có những giải pháp xoay sở với chính sách mới này.

Các doanh nghiệp cho biết đã ngay lập tức họp bàn để có thể tăng tỉ trọng tỷ lệ nguồn gốc thành phần Hoa Kỳ trong sản phẩm để được hưởng ưu đãi hơn. Mặc dù có lo lắng, tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng mức thuế đối ứng này có thể đàm phán vì chuyển dịch chuỗi cung ứng hay chủ động sản xuất hàng tiêu dùng cũng là thách thức với Hoa Kỳ.

Các Hiệp hội cũng khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào chiến lược linh hoạt của Chính phủ Việt Nam. Họ cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ đàm phán và ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới để hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng thị trường xuất khẩu.

Không chỉ Việt Nam, các doanh nghiệp tại nhiều quốc gia cũng đang theo dõi sát những diễn biến liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ, tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ, đồng thời có sự chuẩn bị của riêng mình để hạn chế tác động tiêu cực từ biến động thương mại.

Với ngành chăn nuôi gia súc tại Australia, Mỹ là thị trường thịt đỏ quan trọng hàng đầu. Trong năm ngoái, người tiêu dùng Mỹ đã tiêu thụ gần 400 nghìn tấn thịt của Australia – một con số cao kỷ lục. Do vậy, thông tin về chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã được các doanh nghiệp trong ngành đón nhận với thái độ thận trọng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh là không thể tránh khỏi nhưng sẽ không quá lớn.

Vấn đề đa dạng hóa thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ cũng đã được nhiều doanh nghiệp đặt ra. Chính phủ Australia cũng đã cam kết sẽ cung cấp 845 triệu USD để hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng bởi thuế quan, trong đó có chăn nuôi, tìm kiếm thị trường thay thế.

Còn tại Nhật Bản, nhà sản xuất đồ uống Suntory đang tìm cách điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình để thích ứng với thuế quan. Trước đây, một số sản phẩm đặc trưng của công ty được sản xuất tại các địa điểm cố định rồi xuất khẩu tới các nước khác. Còn giờ đây, công ty sẽ cố gắng sản xuất và bán hàng ngay tại địa phương. Suntory cũng đang cân nhắc tập trung nhiều hơn vào thị trường châu Âu.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tình hình thuế quan được dự báo vẫn còn nhiều thay đổi, các doanh nghiệp được khuyến cáo nên chủ động trong việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực. Đây sẽ là chìa khóa để vượt qua giai đoạn biến động và tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan