Tuấn Trung (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)–Thứ sáu, ngày 04/04/2025 12:28 GMT+7
Biểu thuế đối ứng của chính quyền Mỹ mới công bố đã làm chao đảo các thị trường tài chính trên toàn cầu, kích hoạt phản ứng từ các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Nhưng không chỉ ảnh hưởng bên ngoài, biểu thuế mới này cũng đang gây những xáo trộn đối với chính người dân và doanh nghiệp Mỹ.
Ghi nhận của Los Angeles Times, tại những quận hạt như Huntington Beach, nơi khẩu hiệu lấy lại sự vĩ đại của nước Mỹ tung bay phấp phới và việc ủng hộ chính sách của Nhà Trắng là một niềm tự hào cũng không khoả lấp mối lo vật giá leo thang và tương lai của kinh tế nước nhà. Không ít gia đình đang nhanh chóng tới siêu thị tích trữ đồ dùng trước khi giá cả leo thang.
Sự bất ổn đang gây hỗn loạn cho các doanh nghiệp – Washington Post bình luận. Nhiều doanh nghiệp đã dành nhiều năm để mở rộng sản xuất sang các quốc gia khác nhằm tránh mức thuế Mỹ áp lên Trung Quốc. Với mức thuế đối ứng mới, hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia này sẽ sớm trở nên đắt đỏ.
Theo Nytimes, ngay cả ngành công nghệ năng lượng đang lên cũng sẽ gặp khó. Dự kiến 18.200 Megawatts công suất pin lưu trữ sẽ được lắp đặt trong năm nay. Nhưng gần 70% số pin này nhập từ Trung Quốc. Cộng dồn với những biểu thuế đang áp dụng, mức thuế đối ứng mới được cho là sẽ không có lợi cho kinh doanh và cả độ an toàn của lưới điện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố bảng thuế đối ứng tại Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: AFP
Theo một số thăm dò gần đây thì mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Mỹ giờ là thuế. Trong khi phân nửa người Mỹ trưởng thành ủng hộ các chính sách nhập cư mới, chỉ 40% tự tin với chính sách của chính quyền trong vấn đề thương mại.
Thực tế, triển vọng kinh tế Mỹ đang ảm đạm hơn sau khi thuế đối ứng được công bố, hãng tin Reuters bình luận. Mức thuế trung bình của Mỹ đã lên cao nhất trong hơn một thế kỷ. Các chuyên gia cảnh báo rằng, lạm phát có thể tăng cao đi đôi với mất việc làm, cắt giảm chi tiêu và thu hẹp đầu tư. Đây là những yếu tố có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Hiện Bloomberg chưa thấy triển vọng nào để nhanh chóng đàm phán hạ bớt mức thuế mới. Ngay cả khi có thể thì quá trình đó cũng mất thời gian. Trước mắt thì cần phải kiên nhẫn. Việc áp thuế thường dễ hơn nhiều so với việc gỡ bỏ chúng.
Không ít tiếng nói ủng hộ chính sách thuế đối ứng của chính quyền Mỹ. Họ cho đây là bước cần thiết để xử lý thâm hụt thương mại và bảo hộ sản xuất nội địa. Nền kinh tế Mỹ đủ sức bền để chống chịu những hệ luỵ phát sinh. Nhưng vấn đề là trong bao lâu và liệu có bên nào thực sự được lợi với chính sách thuế mới này.

Nguồn: VTV