Thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục phản ứng với những lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng lên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu mức giảm trong khu vực, khi chỉ số Hang Seng giảm 10,37%. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục giảm 6,31%.
Thị trường chứng khoán châu Á vẫn tiếp tục phản ứng với những lo ngại về kinh tế toàn cầu sau khi mức thuế đối ứng được Tổng thống Mỹ công bố vào ngày 2/4 vừa qua. (Ảnh: AP)
Tại Nhật Bản, chỉ số chuẩn Nikkei 225 giảm 6,20% xuống mức thấp nhất trong 18 tháng trong khi chỉ số Topix giảm mạnh hơn là 6,50%. Đầu ngày, giao dịch hợp đồng tương lai của Nhật Bản đã bị tạm dừng do thị trường chạm đến ngưỡng ngắt mạch.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng giảm 4,74%, trong khi chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq giảm 4,01%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc đã kéo dài mức giả từ cuối tuần trước và mở cửa phiên thứ 2 đầu tuần với mức giảm lên đến 3,87%. Chỉ số này chuẩn trượt vào vùng điều chỉnh với mức giảm 11% trong phiên trước.
Chỉ số chuẩn Nifty 50 của Ấn Độ giảm 3,85% khi mở cửa trong khi chỉ số BSE Sensex giảm 5,29%.
Theo CNBC, chỉ số hợp đồng tương lai của Mỹ cũng giảm khi hy vọng của các nhà đầu tư về việc chính quyền của Tổng thống Trump đàm phán thành công với các quốc gia để hạ lãi suất chưa thấy nhiều triển vọng.

Nhiều chỉ số chính giảm điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (Ảnh: CNBC)
Trong khi đó, giá dầu đã giảm xuống dưới 60 USD một thùng vào Chủ Nhật tại Mỹ. Hợp đồng tương lai gắn với dầu thô trung gian West Texas của Mỹ cũng giảm hơn 3% xuống còn 59,74 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2021.
CNBC cũng dẫn lời các quan chức kinh tế hàng đầu của chính quyền Trump đã bác bỏ mọi lo ngại về lạm phát và suy thoái, đồng thời tuyên bố rằng thuế quan sẽ vẫn tồn tại bất kể thị trường phản ứng ra sao.
Cổ phiếu trên nhiều sàn giao dịch tại Mỹ đã giảm mạnh vào thứ Sáu tuần trước khi Trung Quốc công bố mức thuế quan mới là 34% đối với hàng hóa của Hoa Kỳ, qua đó làm dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, qua đó có thể dẫn đến suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 2.231,07 điểm, tương đương 5,5%, xuống còn 38.314,86 vào thứ Sáu tuần trước. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2020 trong đại dịch COVID-19.
Chỉ số S&P 500 giảm 5,97% xuống còn 5.074,08, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Trong khi đó, Nasdaq Composite, nơi niêm yết của nhiều công ty công nghệ lớn bán hàng và có nhà sản xuất tại Trung Quốc, giảm 5,8% xuống còn 15.587,79. So với tháng 12, chỉ số trên Nasdaq Composite đã giảm 22%.
Ông Stephen Innes tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management nhận định thị trường đang trong trạng thái rơi tự do, phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ.
Trong khi đó, Trưởng bộ phận phân tích thị trường Tim Waterer tại công ty môi giới đầu tư KCM Trade, cho biết các nhà giao dịch đang lo lắng hai nền kinh tế lớn nhất sẽ bị ảnh hưởng lớn khi đối đầu nhau về thuế quan. Trong môi trường leo thang căng thẳng như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các tài sản rủi ro bị né tránh.
Trung Quốc vừa thông báo áp thuế bổ sung 34% đối với hàng hóa Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, mức thuế bổ sung 34% được áp với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10/4. Đây là bước đi nhằm đáp lại mức thuế đối ứng 34% đối với hàng hóa Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hôm qua.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới kiện Mỹ về mức thuế đối ứng nói trên.
Theo chính sách thuế mới, Mỹ áp thuế cơ sở 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 5/4. Ngoài ra, Mỹ áp thêm thuế đối ứng với hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ ngày 9/4. Trung Quốc chịu mức thuế đối ứng 34% và nếu cộng thêm mức thuế 20% đã được áp trước đó, tổng mức thuế đánh vào hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ lên tới 54%.
Nguồn: VTV