Lần đầu tiên trong nhiều tháng, chỉ số CPI của Mỹ đã giảm 0,1% so với tháng 2, mang lại nhiều tín hiệu tích cực, nhưng chưa bền vững.
So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI tăng 2,4%, thấp hơn mức dự báo của thị trường là 2,6%. CPI trong tháng 3 giảm là do giá xăng giảm hơn 6%, giá vé máy bay và ô tô cũ cũng giảm, trong khi giá ô tô mới và hàng may mặc thì tăng.
Giá trứng gà tại Mỹ tiếp tục tăng và đứng ở mức cao do tác động của dịch cúm gia cầm và hiện giá trứng gà đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, lạm phát lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng ít nhất trong 4 năm qua.
Lạm phát giảm nhiệt là tín hiệu tích cực cho người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ, nhưng việc áp thuế nhập khẩu với phần lớn hàng hóa từ Trung Quốc ở mức 145%, có thể làm giá cả nhiều tăng lên và đẩy lạm phát tăng trở lại trong thời gian tới.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Ảnh: Getty Images)
Mặc dù Tổng thống Donald Trump hiện đã tạm dừng áp thuế quan đối ứng, nhưng mức thuế cơ sở 10% có hiệu lực vào cuối tuần trước đối với hầu hết các quốc gia vẫn được duy trì. Mexico và Canada vẫn phải đối mặt với một loạt các loại thuế riêng liên quan đến fentanyl, trong khi thuế quan đối với thép, nhôm và ô tô vẫn không thay đổi. Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ tăng thuế suất đối với Trung Quốc.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế quan hiện tại có thể sẽ dẫn đến tăng trưởng giá nhanh hơn. Điều này cùng với lo ngại về nguy cơ suy thoái đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải “chờ đợi và xem xét” khi nói đến lãi suất.
“Các loại thuế quan đã có hiệu lực nhưng sẽ mất thời gian để chúng hiển thị trong dữ liệu”, Claudia Sahm, cựu chuyên gia kinh tế của Hội đồng Dự trữ Liên bang và hiện là chuyên gia kinh tế trưởng tại Century Advisors cho biết.
Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết rằng Fed sẽ không vội điều chỉnh lập trường về lãi suất. “Vẫn còn quá sớm để nói rằng chính sách tiền tệ sẽ đi theo con đường phù hợp nào”, ông cho biết.
Nguồn: VTV