Ảnh minh họa.
Theo đó, Ấn Độ sẵn sàng giảm mạnh hoặc loại bỏ hoàn toàn thuế quan đối với 55% số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trị giá khoảng 23 tỷ USD. Các mặt hàng này hiện chịu mức thuế từ 5 – 30%.
Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc liệu Washington có giảm bớt các biện pháp thuế quan đối ứng nhằm vào New Delhi hay không. Mức thuế mới, dự kiến được áp dụng từ 2/4, có thể ảnh hưởng tới 87% số mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ, với trị giá lên tới 66 tỷ USD.
Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 2, hai nước đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán hướng tới việc ký kết một thỏa thuận thương mại sớm và giải quyết bế tắc về thuế quan.
New Delhi muốn đạt được thỏa thuận trước khi mức thuế quan tương hỗ được công bố và Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ tại Nam và Trung Á Brendan Lynch sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán thương mại với Ấn Độ trong tuần này. Các quan chức Chính phủ Ấn Độ cảnh báo rằng việc cắt giảm thuế đối với hơn một nửa lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ phụ thuộc vào việc đảm bảo giảm thuế qua lại.
Một trong những quan chức Ấn Độ cho biết quyết định cắt giảm thuế quan chưa phải là quyết định cuối cùng, với các phương án khác đang được thảo luận như điều chỉnh thuế quan theo từng ngành và đàm phán theo từng sản phẩm thay vì cắt giảm rộng rãi.
Ấn Độ cũng đang xem xét cải cách thuế quan rộng hơn để giảm rào cản đồng đều, nhưng các cuộc thảo luận này đang ở giai đoạn đầu và có thể không được đưa ngay vào các cuộc đàm phán với Mỹ.
Từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã triển khai một loạt chính sách thuế quan nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ, giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, những biện pháp này đã gây ra những phản ứng trái chiều và tác động đáng kể đến tâm lý người tiêu dùng cũng như thị trường nội địa Mỹ.
Ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Trump đã công bố bản ghi nhớ “Chính sách thương mại nước Mỹ trên hết”, đặt nền móng cho một loạt thuế quan mới. Cho đến nay, Mỹ đã chính thức áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước, 20% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada dù một phần bị hoãn thi hành đến tháng Tư
Trung Quốc ngay lập tức đáp trả bằng hàng loạt biện pháp, bao gồm các mức thuế mới đối với nhiều mặt hàng của Mỹ và một cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Google. Trung Quốc đã áp thuế 15% đối với nhiều mặt hàng nông sản chủ chốt, than đá, khí hóa lỏng, đồng thời áp thuế 10% đối với dầu thô, máy nông nghiệp và ô tô động cơ lớn nhập khẩu từ Mỹ.
Canada, nhà cung cấp thép và nhôm nước ngoài lớn nhất cho Mỹ, đã công bố mức thuế trả đũa 25% đối với các kim loại này cùng với máy tính, thiết bị thể thao và các sản phẩm khác với tổng giá trị khoảng 20,6 tỷ USD.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng lên kế hoạch áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa trị giá 28 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ kể từ tháng tới. EC cho biết sẽ chấm dứt việc đình chỉ thuế quan hiện tại đối với hàng hóa Mỹ vào ngày 1/4 và sẽ đưa ra một gói biện pháp đối phó mới vào giữa tháng Tư.
Còn Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố nước này sẽ đợi đến ngày 2/4 để quyết định có áp mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Mỹ trong trường hợp quốc gia láng giềng thực thi chính sách áp thuế tương ứng.
Nguồn: VTV