Việc điều chỉnh quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông và mở rộng kết nối giữa trung tâm với vùng ven đang thúc đẩy nguồn cung căn hộ và tạo điều kiện phát triển các đô thị vệ tinh.
Tại Hà Nội, khu vực Đông Anh và các tỉnh lân cận như Hưng Yên đang thu hút làn sóng dịch chuyển dân cư. Tại TP Hồ Chí Minh, xu hướng này diễn ra ở các khu vực như Bình Chánh và Bình Dương. Các khu vực giáp ranh được đánh giá có tiềm năng đầu tư cao nhờ giá trị bất động sản gia tăng theo hạ tầng.
TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh mô hình đô thị TOD (Transit-Oriented Development) tại 9 vị trí dọc các tuyến giao thông lớn như metro số 1, metro số 2 và Vành đai 3 trong giai đoạn 2025–2026. Vị trí lớn nhất hơn 389 ha tại Hóc Môn, nhỏ nhất là khu đất 5,1 ha ở quận Tân Bình. Một số khu đất khác tại Tân Phú, Thủ Đức dự kiến được đấu giá để phát triển khu đô thị nén, khai thác không gian ngầm, kết hợp đất hỗn hợp và công trình công cộng.
TP Hồ Chí Minh có kế hoạch đẩy mạnh mô hình đô thị TOD tại các tuyến metro.
Theo báo cáo quý I/2025 của Avison Young Việt Nam, thực tế tuyến metro số 1 đã tác động tích cực tới giá bất động sản thứ cấp. Giá bán tại dự án Gateway Thảo Điền tăng 20% so với đầu 2024, trong khi Lumiere Riverside tăng hơn 20,7%. Tuy nhiên, tác động thực tế của mô hình TOD sẽ rõ nét hơn khi các kế hoạch được triển khai cụ thể. Ngoài ra, các chính sách kích cầu như giảm lãi suất huy động và tung gói vay ưu đãi cũng đang góp phần hỗ trợ thị trường. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư lưu ý rằng các mức lãi suất thấp hiện tại thường chỉ áp dụng trong ngắn hạn, trước khi tăng trở lại, gây áp lực lên người vay dài hạn.
Tuy nhiên có một vấn đề đáng chú ý là sự mất cân đối trong nguồn cung, khi thị trường căn hộ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp, có giá từ 3.000 USD/m² trở lên, trong khi nguồn cung bình dân vốn có nhu cầu lớn lại ngày càng khan hiếm.

Đô thị mới, có khả năng cạnh tranh cao nhờ lợi thế kết nối hạ tầng, mở rộng quỹ đất và phát triển đô thị vệ tinh.
Nguyên nhân dẫn đến sự lệch pha này chủ yếu đến từ chi phí đầu vào tăng, quỹ đất nội đô hạn chế và xu hướng dịch chuyển của các chủ đầu tư sang phân khúc có biên lợi nhuận cao hơn. Điều này đặt ra bài toán cân bằng cung cầu, đòi hỏi chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở giá bình dân để đảm bảo sự bền vững của thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng giãn dân ra các đô thị vệ tinh có thể là giải pháp giúp cải thiện tình trạng này trong tương lai. Đồng thời mở ra triển vọng thị trường căn hộ trong trung và dài hạn sẽ tiếp tục định hình theo các xu hướng mới, phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu người mua và sự hoàn thiện của khung pháp lý.
Bà Giang Huỳnh, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Savills TP Hồ Chí Minh, nhận định việc sáp nhập địa phương sẽ tạo ra trung tâm kinh tế, đô thị mới, có khả năng cạnh tranh cao nhờ lợi thế kết nối hạ tầng, mở rộng quỹ đất và phát triển đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cần có chiến lược đầu tư hạ tầng và thu hút nhà đầu tư vào các khu vực mới, đồng thời đảm bảo kết nối thuận tiện với trung tâm.
Xu hướng chọn nơi ở có không gian xanh, tiện ích đầy đủ và hạ tầng thông minh đang ngày càng phổ biến. Việc dịch chuyển từ nội đô ra các vùng ven có hạ tầng đồng bộ được dự báo sẽ tiếp tục trong trung và dài hạn, góp phần tái định hình thị trường căn hộ Việt Nam.
Nguồn: VTV