Trong khi thị trường vẫn đang chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn về chính sách thuế quan của Mỹ, các báo cáo mới nhất cho thấy, những tác động từ bất ổn thương mại đã dần được ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất của nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Hội chợ công nghiệp Hanover đang diễn ra tại Đức thu hút hơn 4.000 nhà triển lãm đến từ khoảng 60 quốc gia. Bên cạnh những cải tiến mới nhất của ngành công nghiệp, một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn cả tại triển lãm năm nay là những chính sách thuế quan của Mỹ. Không ít doanh nghiệp đã bày tỏ nỗi lo ngại về tác động từ xáo trộn thương mại toàn cầu tới lĩnh vực sản xuất.
Ông Thomas Perkmann – Giám đốc điều hành Công ty năng lượng công nghiệp Westfalen cho biết: “Thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến nhiều khách hàng của chúng tôi, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô và thép. Và dĩ nhiên, chúng tôi chỉ có thể hoạt động tốt, nếu khách hàng của mình cũng như vậy”.
Trên thực tế, ngành sản xuất toàn cầu đã cảm nhận được những áp lực đầu tiên. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Anh và Pháp đều ở dưới ngưỡng 50 trong tháng 3, phản ánh sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy. Còn tại Mỹ, hoạt động sản xuất từ chỗ mở rộng trong hai tháng đầu năm cũng đã suy giảm, với số đơn đặt hàng mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Sự bất ổn do thuế quan đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Ông Andy Baker – Chủ tịch Công ty AndyMark chia sẻ: “Vấn đề lớn nhất là sự không chắc chắn. Chúng tôi gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch dự án và xác định xem những gì sẽ xảy ra trong 6 tháng, 12 tháng, hai năm, năm năm tới. Chúng tôi không biết thuế quan sẽ được áp dụng như thế nào”.
Ông Olu Sonola – Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ, Fitch Ratings cho biết: “Khi đối mặt với sự không chắc chắn, nhiều doanh nghiệp sẽ trì hoãn các quyết định đầu tư và tuyển dụng. Họ thậm chí cũng có thể thu hẹp quy mô sản xuất. Chúng ta chưa ghi nhận những bằng chứng rõ ràng về điều đó, nhưng nếu sự không chắc chắn tiếp tục tăng lên, hoạt động đầu tư kinh doanh rất có thể sẽ suy yếu”.
Ngành sản xuất châu Á hiện cũng đang chịu tác động đáng kể. Ngoại trừ một số điểm sáng như Trung Quốc và Việt Nam, nhiều nền kinh tế trong khu vực đã gặp khó khăn trong tháng 3 do nhu cầu toàn cầu chậm lại và bất ổn gia tăng. Chỉ số PMI sản xuất tại Nhật Bản đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng một năm qua, trong khi các nhà máy ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng ghi nhận những tín hiệu suy yếu.
Nguồn: VTV