Trang chủ kinh-te Bức tranh FDI khởi sắc, chắp cánh cho mục tiêu tăng trưởng năm 2025

Bức tranh FDI khởi sắc, chắp cánh cho mục tiêu tăng trưởng năm 2025

bởi Admin
0 Lượt xem

Bất chấp kinh tế khó khăn, đầu tư nước ngoài khởi sắc

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến hết tháng 4, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh môi trường đầu tư ổn định, mà còn cho thấy tiềm năng phát triển của nền kinh tế nước ta.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong nhiều năm qua, FDI luôn được coi là một trong những trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Từ việc tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ, đến đóng góp lớn cho xuất khẩu và ngân sách, tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. 

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cụ thể, sự gia tăng vốn FDI vừa giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ hiện đại để tăng nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tăng cường xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại, vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá hối đoái…qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Trong bức tranh đầu tư, điều đáng chú ý, ngành công nghiệp chủ đạo là chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 3,39 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Điều này cho thấy, ngành công nghiệp này tiếp tục thể hiện sức hấp dẫn lớn và dòng đầu tư chảy vào nước ta đang trên xu hướng tăng trưởng về “chất”, đúng theo chủ trương khuyến khích các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo giá trị gia tăng lớn.

Thực tế cho thấy, dòng vốn từ các tập đoàn công nghệ, sản xuất hàng đầu thế giới đang đổ vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, LG, Foxconn, Lego và gần đây là Apple đã tiếp tục mở rộng hoạt động hoặc đầu tư mới. Sự dịch chuyển này không chỉ đơn thuần là chọn địa điểm sản xuất thay thế Trung Quốc, mà còn cho thấy Việt Nam đang bước vào chuỗi giá trị toàn cầu với vai trò cao hơn – không chỉ lắp ráp mà còn nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo.

Năng lực sản xuất nâng cao chắp cánh cho tăng trưởng

Theo các chuyên gia kinh tế, những tín hiệu kinh tế tích cực trong quý I và đầu quý II năm 2025 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang nắm bắt tốt cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho cả năm. Đặc biệt, sự khởi sắc của dòng vốn FDI chính là một điểm tựa quan trọng giúp kinh tế Việt Nam vững vàng tiến về phía trước. Với cách tiếp cận có chọn lọc, ưu tiên chất lượng và hiệu quả, FDI không chỉ mang lại con số tăng trưởng mà còn góp phần tạo ra một nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh và hội nhập sâu rộng.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích thêm, FDI là nguồn vốn dài hạn bổ sung cho đầu tư phát triển mà ngân sách nhà nước và doanh nghiệp trong nước không đủ khả năng đáp ứng. Nhất là với những ngành công nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư lớn như sản xuất điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, công nghệ cao…

Theo đó, sự gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là điện tử, linh kiện, thiết bị di động – sẽ nhanh chóng được cụ thể hóa thành năng lực sản xuất mới trong nửa giai đoạn cuối năm. Các dự án mở rộng của Samsung, LG, Foxconn và các đối tác của Apple như Luxshare và GoerTek không chỉ tăng sản lượng xuất khẩu mà còn gia tăng giá trị gia tăng nội địa, giúp Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện. 

Bên cạnh đó, việc các tập đoàn đa quốc gia mở rộng hoạt động kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái cung ứng nội địa. Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng lớn, đặc biệt trong các ngành như cơ khí chính xác, bao bì, nhựa kỹ thuật và logistics. Thêm nữa, yêu cầu cao về công nghệ, chất lượng và tiêu chuẩn môi trường từ các nhà đầu tư FDI sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, khi năng lực sản xuất mở rộng, các nhà máy FDI tuyển dụng hàng chục nghìn lao động, đóng góp lớn vào giải quyết việc làm và chính mức lương tương đối cao trong khối FDI giúp tăng sức mua trong nước, kích thích tiêu dùng, giúp thị trường nội địa “ấm” lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn…

Nhóm doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước

“Với đà tăng trưởng FDI hiện tại, cùng với sự phục hồi ổn định của các lĩnh vực xuất khẩu, du lịch và tiêu dùng nội địa, Việt Nam có thể tin tưởng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2025, trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong giai đoạn 2025–2030.”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng thể chế, nâng cao năng lực hạ tầng chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo sự ổn định chính sách để duy trì dòng vốn FDI bền vững. Đồng thời, tăng liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, xây dựng chính sách khuyến khích FDI sử dụng nhà cung cấp Việt Nam./.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan