Trang chủ kinh-te Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu

Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu

bởi Admin
0 Lượt xem

Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kết quả này, cá rô phi được kỳ vọng có thể trở thành chân kiềng thứ ba của ngành thủy sản Việt Nam bên cạnh tôm và cá tra.

Theo chuyên trang nghiên cứu, dự báo thị trường Research and Markets, thị trường cá rô phi sẽ đạt 14,5 tỷ USD vào năm 2033. Bốn quốc gia chi phối về nguồn cung cũng như về mặt thương mại toàn cầu là Trung Quốc, Indonesia, Ai Cập và Brazil.

Năm 2024, xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam đã bứt tốc với mức kim ngạch đạt trên 41 triệu USD, tăng gần 140% so với năm trước đó. Việc áp dụng các tiến bộ công nghệ trong nuôi trồng thủy sản giúp tăng sản lượng và giảm chi phí, giúp cá rô phi Việt Nam cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế .

Hình thành ngành hàng xuất khẩu mới

Lâu nay, Việt Nam được biết đến là quốc gia xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới. Điều này là một thuận lợi khi cá tra và cá rô phi đều thuộc nhóm cá thịt trắng, được nuôi trong điều kiện môi trường khá tương đồng.

Tuy nhiên, trong khi cá tra chỉ phù hợp phát triển tại ĐBSCL thì cá rô phi lại có thể phát triển mạnh từ miền Bắc đến miền Nam. Ngay lúc này, Việt Nam đã hình thành các điều kiện của một ngành hàng mới có tiềm năng cao.

Phía Bắc đang trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu cá rô phi cho xuất khẩu. Theo quy trình nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao 1 ha ao nuôi nổi mỗi năm cho 150 tấn cá. Trên cả nước hiện đang có khoảng 42.000 ha, sản lương 300.000 tấn.

Tại Hải Dương, những ao nuôi đáp ứng cho xuất khẩu luôn có quy mô tối thiểu là 1 ha. với mật độ nuôi 5 con/m2, quy trình nuôi khá giống với cá tra, bao gồm cho ăn thức ăn công nghiệp và hệ thống xục khí tạo ô xy…

Ảnh minh họa.

136ha của Hợp tác xã sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt, Hải Dương được nuôi thâm canh công nghệ cao để tạo năng suất đột phá. 3 tiêu chí của cá xuất khẩu đã được đưa vào quy chuẩn đó là giám sát dư lượng kháng sinh, tỷ lệ thịt cao để đáp ứng phi lê và cá không có mùi bùn. Từ đây hợp tác xã tính toán giải pháp công nghệ để đạt được.

Với nguồn cung nguyên liệu tăng, hơn 1 năm nay, Công ty Thủy sản Việt Trường, Hải Phòng đã xuất khẩu cá rô phi vào thị trường Mỹ. Ngoài sản phẩm file thì còn xuất nguyên con. 4 tháng đầu năm nay với giá trị kim ngạch từ xuất khẩu cá rô phi đạt 19 tỷ USD điều này đang tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Tại Sóc Trăng cũng đang có đơn vị đầu tư nhà máy chế biến cá rô phi xuất khẩu với công suất 200 tấn/ngày, dự kiến tháng 7 tới sẽ đưa vào hoạt động. Từ Bắc đến Nam, từ nước ngọt đến nước lợi, cả doanh nghiệp và người dân đã có những chuyển động mạnh mẽ, mở ra hướng phát triển mới cho ngành thủy sản.

Đưa cá rô phi thành sản phẩm chủ lực

Từ năm 2016, Việt Nam đã có đề án phát triển nuôi và xuất khẩu cá rô phi, nhưng thất bại vì điều kiện lúc đó không đáp ứng được con giống, thức ăn, nhà máy chế biến. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các điều kiện phát triển đều đã sẵn sàng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã có định hướng cụ thể để phát triển bền vững ngành hàng này.

Cùng với tích cực giao mặt nước cho người dân nuôi để có nguồn cung nguyên liệu đủ lớn, cả nước còn có 510 cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu. Theo Cục thủy sản và Kiểm ngư đây là lúc chúng ta cần tập hợp lại các nguồn lực và xác định cá rô phi là đối tượng chủ lực để có giải pháp đầu tư phù hợp.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần có đầu tư mạnh cho nghiên cứu giống để khép kín chuỗi giá trị, thay cho tình trạng phải nhập khẩu hiện nay. Thực tế việc nhập khẩu giống đang khiến giá thành của cá rô phi Việt Nam cao hơn các nước khoảng 30%.

Thêm một thông tin tích cực, sau hơn 1 năm tạm dừng nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam để đánh giá lại quy trình kiểm dịch ngăn chặn nguy cơ bệnh từ cá thì mới đây, Brazil đã mở cửa trở lại. Sau cá ngừ trở thành ngành hàng tỷ đô thì cá rô phi là một lợi thế tiếp theo của Việt Nam. Vì thế việc khép kín chuỗi giá trị gắn với quy hoạch bài bản, lấy chất lượng để chinh phục thị trường sẽ là con đường để Việt Nam tiến tới đa dạng sản phẩm và đa dạng thị trường, đứng vững trước biến động.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan