Nhiều nước trên thế giới đã công bố một loạt chính sách lớn hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp
Trung Quốc hỗ trợ thị trường vốn
Một loạt động thái ổn định thị trường đã liên tiếp được triển khai tại Trung Quốc. Quỹ đầu tư nhà nước Central Huijin của Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng can thiệp khi cần để làm dịu các biến động bất thường, tăng mua các loại quỹ hoán đổi doanh mục ETF, đẩy mạnh quy mô và cân bằng cơ cấu đầu tư để bảo đảm sự ổn định của thị trường vốn. Trong khi đó, một loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn cũng thông báo tăng mua cổ phiếu, tăng cường tín hiệu tích cực và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Hàn Quốc hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước
Chính phủ Hàn Quốc hôm nay đã công bố một gói biện pháp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh áp thuế gần đây của Mỹ, bao gồm khoảng 1,5 tỷ USD dưới dạng tài trợ chính sách.
Các ngành xuất khẩu chủ chốt như ô tô, thép, chất bán dẫn và pin xe điện, những ngành dễ bị tổn thương nhất do căng thẳng thương mại, sẽ được ưu tiên hỗ trợ.
Thái Lan đề ra chiến lược đối phó thuế quan Mỹ
Để giảm tác động của mức thuế 36% của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan, Bộ Tài chính Thái Lan lên kế hoạch cải tổ cơ cấu thuế nhập khẩu và các rào cản phi thương mại.
Các ngành công nghiệp của Thái Lan dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do việc tăng thuế bao gồm ô tô, thực phẩm, nhựa, hóa chất, thép, nhôm, dệt may, điện tử và máy móc.
EU họp về đề xuất đánh thuế 25% hàng hóa Mỹ
Liên minh châu Âu cũng đang tìm cách đối phó với làn sóng thuế quan của Mỹ. Quan điểm là vừa đàm phán thỏa thuận, vừa chuẩn bị phương án trả đũa.
Theo kế hoạch, hôm nay, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành bỏ phiếu về kế hoạch áp thuế lên tới 25% đối với hàng hóa của Mỹ.
Danh sách EU đề xuất trả đũa thuế gồm đậu nành, gia cầm, gạo, ngô ngọt, trái cây và các loại hạt, gỗ, xe máy, nhựa, hàng dệt may, tranh vẽ, thiết bị điện, đồ trang điểm và các sản phẩm làm đẹp khác.
Các loại thuế quan trả đũa này dự kiến sẽ có hiệu lực vào tuần tới, tùy thuộc vào sự chấp thuận cuối cùng của các quốc gia thành viên EU.
Hiện, EU đang đối mặt với thách thức trong việc thống nhất quan điểm giữa các quốc gia thành viên. Trong khi Pháp và Đức ủng hộ một phản ứng cứng rắn, Italy vẫn hy vọng có thể đàm phán thay vì đối đầu trực diện.
Dự kiến, Thủ tướng Italy sẽ gặp Tổng thống Mỹ vào ngày 17/4 tới để thảo luận về vấn đề thuế quan.
Nguồn: VTV