Trang chủ kinh-te Cải cách thể chế: Gỡ “điểm nghẽn” của các “điểm nghẽn”

Cải cách thể chế: Gỡ “điểm nghẽn” của các “điểm nghẽn”

bởi Admin
0 Lượt xem

Ngay sau Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành, bài viết rất tâm huyết có tiêu đề Động lực mới cho phát triển kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền cảm hứng và chạm đến cảm xúc của rất nhiều doanh nghiệp tư nhân. Với nhiều doanh nghiệp, sự đánh giá, nhìn nhận một cách bình đẳng, chính thức và có chiều sâu như vậy về khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra niềm tin và động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp.

Trong đó, chủ trương quan trọng nhất của Đảng được nêu tại Nghị quyết 68 là các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế đang cản trở kinh tế tư nhân lớn mạnh như là các điều kiện kinh doanh phức tạp, phân biệt đối xử và rào cản pháp lý. Theo các chuyên gia, trong rất nhiều đột phá mà Nghị quyết đề cập, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế được xem là giải pháp nhanh nhất, mạnh nhất và hiệu quả nhất để kinh tế tư nhân phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết 68, Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, trong số đó, ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đạt mục tiêu này, các thủ tục hành chính phải nhanh, đơn giản hoá, ít chi phí… Tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, với các cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ thành lớn và doanh nghiệp lớn trở thành lớn hơn.

Nghị quyết 68 đang đặt ra một bước ngoặt lịch sử cho phát triển kinh tế của đất nước.

Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, trong số đó, ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

GS. Trương Nguyện Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Đại học Hoa Sen cho biết: “Tổng Bí thư Tô Lâm có những chiến lược phát triển đất nước mà tôi cho rằng đột phá và có sự đổi mới tích cực. Mình đang đứng trước một cơ hội thay đổi toàn diện về phát triển kinh tế, phát triển xã hội và kể cả về mặt giáo dục”.

Đặc biệt, Nghị quyết 68 với các quy định sửa đổi không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự, đảm bảo nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, các biện pháp hành chính sẽ được ưu tiên trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ: “Tăng cường tập trung cải cách thể chế trong lĩnh vực tư pháp để không chỉ là một môi trường kinh doanh thông thoáng mà rủi ro pháp lý thấp. Điều ấy được cảm nhận ngay trong năm nay hoặc sang năm, tự nó sẽ là cú huých cho kinh tế tư nhân”.

Có thể thấy, tinh thần cải cách thể chế theo Nghị quyết 68 là đổi mới tư duy quản lý Nhà nước, chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ; từ tiền kiểm sang hậu kiểm; từ can thiệp sang khuyến khích.

Các chuyên gia đánh giá cao tinh thần thẳng thắn đi vào giải quyết các bất cập của thể chế của Nghị quyết và điều này không chỉ tác động đến kinh tế tư nhân mà toàn bộ cả nền kinh tế.

Ông Võ Trí Hảo – Chuyên gia kinh tế nhận định: “Nó giải quyết các điểm nghẽn cho toàn bộ nền kinh tế. Và đặc biệt nó còn có một tác dụng, đó là làm cho nền kinh tế Việt mang nhiều đặc trưng đặc điểm và đáp ứng các tiêu chuẩn để được công nhận là nền kinh tế thị trường, mở ra cho chúng ta rất nhiều cơ hội bình đẳng khác trong vấn đề xuất khẩu, trong vấn đề thuế quan”.

Ngay trong Kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội khoá XV, Quốc hội sẽ thảo luận và ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân với các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, khả thi, hiệu quả. Có thể thấy, sự vào cuộc nhanh chóng, tinh thần làm việc thần tốc này của cả bộ máy chính trị đang kéo theo một sức mạnh lan toả to lớn đến tinh thần của đội ngũ doanh nhân trên cả nước.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan