Thường trú Đài THVN tại châu Âu–Thứ hai, ngày 31/03/2025 14:50 GMT+7
Chỉ hai ngày nữa, quyết định của Mỹ áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu sẽ có hiệu lực. Đức và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có xuất khẩu ô tô vào thị trường Mỹ đang tìm cách đối phó, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô.
Từ lâu, nước Mỹ vẫn là thị trường lý tưởng của các hãng xe hơi châu Âu. Người Mỹ thích ô tô cao cấp to nặng, là dòng xe mang lại lợi nhuận cao cho các hãng.
Tờ Le Figaro ra tại Pháp hôm thứ Sáu tuần vừa rồi viết: “Nước Mỹ nhập khẩu một nửa số ô tô được bán ra trên thị trường Mỹ, với giá trị nhập khẩu hàng năm hơn 240 tỷ USD”. Theo bài báo, “các hãng xe Đức đang rất lo lắng. Năm ngoái, 1/5 lượng ô tô xuất khẩu của Đức vào thị trường Mỹ”. Kể cả khi lập nhà máy lắp ráp xe tại Mỹ, sử dụng nhân công Mỹ, cũng khó có thể bán xe với giá như hiện nay, bởi vì nước Mỹ dự kiến áp thuế 25% “không chỉ với xe hoàn thiện, mà còn cả với động cơ, hộp số, hệ thống truyền động và linh kiện điện tử”.
Trong tổng lượng ô tô châu Âu xuất khẩu vào Mỹ, xe Đức chiếm tới 3/4
Trong tổng lượng ô tô châu Âu xuất khẩu vào Mỹ, xe Đức chiếm tới 3/4. Tờ Landeszeitung của Đức viết: “Không có quốc gia châu Âu nào bán nhiều xe tại Mỹ như nước Đức. Năm 2024 vừa rồi, nước Đức xuất khẩu 450.000 xe vào thị trường Mỹ”. Thêm vào đó là “900.000 xe cũng của Đức được lắp ráp trong các nhà máy của Mercèdes, Volkswagen, BMW, đặt ngay trong lãnh thổ Mỹ”.
Các nước Đông Âu, nơi có nhiều nhà máy lắp ráp ô tô cũng đang rất lo lắng. Tờ Hospodárske của Slovakia tính ra rằng, “nếu Mỹ áp dụng thuế quan, thì sẽ là đòn giáng mạnh vào trụ cột của nền kinh tế Slovakia. Các nhà máy ô tô tại nước này sử dụng 260.000 nhân công và tạo ra 12% GDP hàng năm”. Những nước gia công lắp ráp ô tô sẽ chịu thiệt hại dây chuyền. Tính theo nhãn hiệu, General Motors đứng đầu về lượng xe xuất khẩu vào Mỹ. Hãng này là của Mỹ, nhưng đặt nhiều nhà máy ở nước ngoài nhằm tận dụng nhân công giá rẻ. Nếu nước Mỹ áp thuế cao, thì lợi thế đó không bù lại nổi thiệt hại từ thuế nhập khẩu.
Tại Bruxelles, phía Liên minh châu Âu một mặt kêu gọi đàm phán, mặt khác đang tích cực chuẩn bị đối phó. Tờ Die Presse ra tại Áo viết: “Nếu châu Âu muốn phản công, thì có hai công cụ. Thứ nhất là áp thuế cao vào các sản phẩm từ các tiểu bang của Mỹ đặc biệt quan trọng đối với Tổng thống Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 11 năm sau”. “Thứ hai, Quy định bảo vệ Liên minh châu Âu khỏi sự cưỡng ép kinh tế của các nước khác, có hiệu lực từ cuối năm 2023, cho phép các quốc gia thành viên loại bỏ nước đối địch ra khỏi các dự án mua sắm Chính phủ, trong trường hợp cụ thể này là vũ khí và năng lượng của Mỹ và hạn chế các công ty tài chính Mỹ hoạt động trên thị trường của nước mình”.
Nguồn: VTV