Lên phương án thu mua, tạm trữ
Mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm để bảo đảm nguồn cung, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, đồng thời phục vụ xuất khẩu, nghiên cứu phương án thu mua, tạm trữ một số nông sản có nguy cơ rớt giá tại thời điểm thu hoạch rộ.
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, ngành nông nghiệp đã thành lập các tổ công tác để nắm tình hình thực tế tại các vùng sản xuất nông sản hè chủ lực. Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đi khảo sát tại các vùng trồng vải thiều tại Bắc Giang, sắp tới sẽ là vùng trồng cây ăn quả của Sơn La và vùng trồng sầu riêng của Đắk Lắk.
Bộ đã chỉ đạo các địa phương theo dõi sát tình hình, diễn biến thương mại toàn cầu, chủ động triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp để chủ động ứng phó với những thách thức do bất ổn thương mại toàn cầu.
Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan, nghiên cứu phương án hỗ trợ thu mua tạm trữ đối với một số mặt hàng có nguy cơ rớt giá tại thời điểm thu hoạch rộ, nhất là lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạn chế ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Các nông sản mùa hè của miền Bắc dự báo sản lượng sẽ rất dồi dào, hầu hết là được mùa. Từ cuối tháng 5, các nông sản sẽ bắt đầu bước vào thu hoạch rộ, áp lực tiêu thụ lớn.
Ông Đỗ Đức Duy – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: “Vấn đề quan trọng đầu tiên là phải nâng cao năng lực dự báo, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp và người dân tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường để không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, nhất là trong thời điểm chính vụ. Thứ hai, chúng tôi chỉ đạo các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp để mở rộng các cơ sở chế biến, các cơ sở bảo quản, nhất là các kho tạm trữ trong thời điểm chính vụ, có thể mở rộng việc mua tạm trữ để xuất khẩu trong một thời gian dài, tránh áp lực trong thời gian ngắn phải giải quyết một khối lượng hàng hoá rất lớn”.
Từ cuối tháng 5, các nông sản sẽ bắt đầu bước vào thu hoạch rộ, áp lực tiêu thụ lớn
Đa dạng hoá thị trường
Trong công điện vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần kết hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao, tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán với các nước có thị trường tiềm năng để tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ông Đỗ Đức Duy – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết thêm: “Chúng ta phải đa dạng hoá thị trường, đặc biệt ngoài các thị trường truyền thống, chúng tôi đã và đang đàm phán để mở rộng các thị trường tiềm năng khác. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… mở rộng ra các thị trường khác như thị trường Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông hay một số thị trường khác. Trong đó, ưu tiên cho các thị trường mà chúng ta đã ký các Hiệp định thương mại tự do. Như vậy, một mặt vừa quảng bá thương hiệu nông sản của Việt Nam ra phạm vi ngày càng rộng lớn trên thế giới, mặt khác giảm bớt sự rủi ro, phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay, có nhiều ý kiến lo ngại đối với thị trường Hoa Kỳ”.
Việc mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số ít thị trường lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng cơ hội từ các thị trường mới và giảm rủi ro.
Nguồn: VTV