Trang chủ kinh-te Chưa có căn cứ để đề xuất tăng lương cơ sở trong năm 2026

Chưa có căn cứ để đề xuất tăng lương cơ sở trong năm 2026

bởi Admin
0 Lượt xem

Một số nơi phải tạm ứng, “vay” từ nguồn khác để chi trả lương

Sáng 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 1/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, điều này đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua thực tế tiếp xúc cử tri, khảo sát tại một số địa phương, phản ánh của cử tri, phương tiện thông tin đại chúng, ông Vinh cho biết vẫn có những khó khăn nhất định, cần Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, có giải pháp khắc phục.

Cụ thể, việc chi trả phần tăng thêm sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở (tăng lên 2.340.000 đồng) ở một số địa phương, cơ quan còn chậm.

“Một số nơi phải tạm ứng, “vay” từ nguồn khác để chi trả lương khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

Kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định số 77 năm 2024 của Chính phủ chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán năm 2024 kịp thời khiến người có công với cách mạng tâm tư, phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri.

Trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ tài chính có một số bất hợp lý phát sinh trong thực hiện chế độ tiền lương đối với một số đối tượng, ngành nghề (viên chức ngành giáo dục, y tế…). Do đó, Uỷ ban đề nghị có báo cáo rõ về kết quả giải quyết việc này.

Chưa có căn cứ để đề xuất tăng lương cơ sở trong năm 2026 - Ảnh 2.

Theo báo cáo thẩm tra, một số nơi phải tạm ứng, “vay” từ nguồn khác để chi trả lương khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở

Ngoài ra, theo ông Vinh, do một số đơn vị chậm thực hiện chi trả theo chế độ tiền lương mới nên việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng bị ảnh hưởng nhất định.

Bên cạnh đó, một số đối tượng không phải là đối tượng thuộc khu vực công nhưng lại bị tác động bởi chính sách này do ảnh hưởng của việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo, bổ sung, cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu chi tiết về kết quả thực hiện.

Ngoài ra cần rà soát, phân tích những khó khăn, bất cập, những điểm nghẽn trong thể chế, quy định pháp lý, từ đó có kiến nghị cụ thể để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm khả thi và xác định rõ lộ trình hoàn thành trong quá trình tổ chức thực hiện.

Việc thực hiện tinh giản biên chế cần gắn với vị trí việc làm một cách thực chất, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cần tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 theo định hướng xây dựng, sửa đổi pháp luật về cán bộ, công chức; về tổ chức chính quyền địa phương; về sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính….

Tăng lương cơ sở tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế 

Thảo luận, góp ý cho báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách Nhà nước hạn chế, nhiệm vụ sắp tới hết sức nặng nề khi vừa phải tiếp tục thực hiện chính sách này, vừa phải gắn với sắp xếp bộ máy chính trị, tinh giảm biên chế. Bởi việc tinh giản biên chế sau sắp xếp đòi hỏi phải dành nguồn ngân sách lớn để chi cho người nghỉ hưu sớm, nhân sự dôi dư. 

Hơn nữa, còn cần phải có nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công cho viên chức về hưu sớm hoặc thôi việc. “Hiện nay các đơn vị này đang tự chủ và tự lo nhưng qua các cuộc thảo luận, có rất nhiều ý kiến chỉ ra các đơn vị sự nghiệp công lập không có nguồn và không thể chi trả được tiền hỗ trợ cho người về hưu sớm hoặc thuộc diện tinh giản”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Chưa có căn cứ để đề xuất tăng lương cơ sở trong năm 2026 - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán và làm rõ vừa qua chúng ta sắp xếp tổ chức bộ máy, đã giảm được bao nhiêu biên chế. 

Từ đó, tiết kiệm ngân sách như thế nào để bố trí cho việc đầu tư, phát triển, chế độ chính sách, an sinh xã hội. Tới đây khi sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc là bao nhiêu. Qua đó, đưa những con số này vào trong báo cáo để giải thích rõ.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp đề xuất Ban Chấp hành Trung ương đánh giá lại Nghị quyết số 27-NQ/TƯ năm 2018 từ đó đưa ra lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, từ đó có giải pháp căn cơ, chiến lược để thực hiện chính sách tiền lương lâu dài. 

Bên cạnh đó, Bộ sẽ thống kê số liệu tinh giản biên chế nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, từ đó tính toán nguồn kinh phí chi trả, đồng thời có giải pháp cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chưa có căn cứ để đề xuất tăng lương cơ sở trong năm 2026 - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Theo Bộ trưởng, năm 2026, nhiệm vụ lớn nhất là phải tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế tác động trực tiếp tới việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Nguồn chi trả cho đối tượng thuộc diện tác động trực tiếp này rất lớn.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh thời điểm này, chưa có căn cứ, cơ sở để đề xuất thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2026 vì còn tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế năm 2025 và các vấn đề thu ngân sách khác.

“Thời điểm này, chưa có căn cứ, cơ sở để đề xuất thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2026”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan