Phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định đây là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ khi ông công bố loạt chính sách thuế mới.
“Ngày 2/4 sẽ mãi mãi được ghi nhớ là ngày ngành công nghiệp Mỹ được tái sinh. Trong nhiều thập kỷ, đất nước chúng ta đã bị lợi dụng bởi cả các đồng minh lẫn đối thủ,” ông Trump tuyên bố.
Theo số liệu từ Reuters, mức thuế mới của Mỹ đối với một số quốc gia và khu vực bao gồm: Trung Quốc (34%), Liên minh châu Âu (20%), Nhật Bản (24%), Hàn Quốc (25%), Thụy Sĩ (31%), Anh (10%), Malaysia (24%), Ấn Độ (26%), Brazil (10%), Indonesia (32%), Việt Nam (46%), Singapore (10%), Ukraine (10%), Venezuela (15%).
Tổng thống Donald Trump ký quyết định áp biểu thuế mới
Ông Trump nhấn mạnh rằng các quốc gia muốn được miễn trừ khỏi chính sách thuế đối ứng của Mỹ cần phải thay đổi chính sách thương mại của mình. “Hãy chấm dứt thuế quan, dỡ bỏ các rào cản, ngừng thao túng tiền tệ và bắt đầu mua hàng chục tỷ USD hàng hóa của Mỹ”, ông tuyên bố.
Thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương phiên sáng ngày 3/4 đang ngay lập tức phản ứng với thông tin này. Hầu hết các chỉ số đều giảm mạnh, trong đó chỉ số Nikkei 225 chuẩn giảm 2,68%, thu hẹp mức giảm hơn 4% khi mở cửa, trong khi chỉ số Topix giảm 2,97%, cũng thu hẹp mức giảm hơn 4% đầu phiên.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,16% trong phiên giao dịch đầu ngày trong khi CSI 300 của Trung Quốc đại lục giảm 0,48%.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1,29%, thu hẹp mức giảm từ hơn 3% đầu tiên, trong khi Kosdaq vốn hóa nhỏ giảm 0,61%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 1,17%.
Giá vàng đạt mức cao kỷ lục và đang giao dịch ở mức 3.153,92 USD một ounce tính đến 9:53 sáng theo giờ Singapore, khi các nhà đầu tư đổ xô vào kim loại quý này.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh
Thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến đợt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngoài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố loạt thuế quan mới, với mức thuế khởi điểm ít nhất 10% và có thể cao hơn đối với một số quốc gia. Điều này làm dấy lên nguy cơ bùng phát cuộc chiến thương mại toàn cầu, đe dọa ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ.
Hợp đồng tương lai gắn với chỉ số Dow Jones giảm 918 điểm, tương đương 2,2%. Mức sụt giảm còn mạnh hơn đối với S&P 500 khi các hợp đồng tương lai mất 3,2%. Đặc biệt, hợp đồng tương lai Nasdaq-100 chịu tổn thất nặng nề nhất với mức giảm lên tới 4.1%.
Cổ phiếu của các tập đoàn đa quốc gia đồng loạt sụt giảm. Cụ thể, Nike giảm 7%, Apple mất 6%. Nhóm doanh nghiệp chuyên bán hàng nhập khẩu chịu tác động nặng nề nhất: cổ phiếu Five Below giảm 11%, Gap lao dốc 12%. Đồng thời, nhóm công nghệ cũng chìm trong sắc đỏ, với Nvidia mất 4% và Tesla giảm 5%.
Nhiều chuyên gia nhận định, diễn biến mới khiến tâm lý tiêu cực phủ bóng thị trường.
“Nó đã tạo ra tâm lý tiêu cực về tương lai, làm chậm mọi thứ lại”, John Luke Tyner, nhà phân tích thu nhập cố định tại Aptus Capital Advisors ở Fairhope, Alabama cho biết.
Jay Hatfield, CEO tại Infrastructure Capital Advisors, chia sẻ thẳng thắn: “Đây là kịch bản tồi tệ nhất mà thị trường mong đợi và điều đó đủ để khiến kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái. Đó là lý do tại sao triển vọng tương lai lại yếu như vậy”.
Các nhà phân tích Mỹ cũng dự đoán các đối tác thương mại sẽ phản ứng bằng các biện pháp đối phó và điều này có thể dẫn đến giá cả tăng cao cho các mặt hàng, từ xe đạp đến rượu vang.
“Chúng tôi chỉ có một mặt của câu chuyện. Mặt khác của câu chuyện là cách các quốc gia khác phản ứng với những gì chúng tôi đang làm”, ông Walter Todd, giám đốc đầu tư tại Greenwood Capital ở Greenwood, Nam Carolina trả lời phỏng vấn của Reuters. “Sau đó, sẽ là việc thị trường tiếp nhận và phản ứng với những gì đang được nói bây giờ”.
Nguồn: VTV