Thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh kể từ khi ông Trump áp thuế quan vào đầu tháng 4
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch này trong trạng thái trầm lắng trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tập trung sự chú ý vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào ngày 10/5 tại Thuỵ Sỹ (theo giờ địa phương).
Đóng của phiên giao dịch ngày 9/5, chỉ số S&P 500 giảm 4,62 điểm, tương đương 0,08%, còn 5.659,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,38 điểm, tức 0,01%, chốt ở mức 17.925,76 điểm và chỉ số Dow Jones giảm mạnh hơn, mất 129,89 điểm, tương đương 0,31%, kết thúc tại 41.238,56 điểm.
Ngày 8/5, các chỉ số chính của Phố Wall đóng cửa tăng điểm nhờ thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Vương quốc Anh – hiệp định đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với nhiều quốc gia. Trước đó, ngày 7/5, thị trường chứng khoán Mỹ cũng ghi nhận một phiên giao dịch khởi sắc, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 4,25-4,50%. Tuy nhiên, tính theo tuần, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều giảm nhẹ.
Thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh kể từ khi ông Trump áp thuế quan vào đầu tháng 4
Thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh kể từ khi ông Trump áp thuế quan vào đầu tháng 4, nhưng đã phục hồi về gần mức trước khi các biện pháp thuế được công bố, nhờ kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp. Trong số 450 công ty thuộc bộ chỉ số S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận tính đến sáng ngày 9/5, khoảng 76% vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Nhưng nhiều công ty đã cắt giảm hoặc rút dự báo tăng trưởng tích cực do môi trường thương mại bất ổn, dẫn đến những lo ngại về triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Xét trên phạm vi toàn cầu, chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu gần như đi ngang trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 9/5, điểm nhấn chính của phiên này là tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 mặc dù chỉ tăng 0,44%, nhưng chỉ số DAX của Đức đã tăng 0,63%, đạt mức đóng cửa kỷ lục.
Chính phủ Mỹ đang tăng cường thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với hàng loạt đối tác khác nhau, trước khi thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng kết thúc. Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ ngày 9/5 đã đề xuất giảm chênh lệch thuế quan với Mỹ từ mức gần 13% xuống dưới 4%, đổi lại Ấn Độ sẽ miễn thuế hoàn toàn (zero-for-zero) đối với thép, phụ tùng ô tô và dược phẩm của Mỹ, áp dụng cho một lượng hàng nhập khẩu nhất định.
Phát biểu trước cuộc đàm phán thương mại với phía Trung Quốc tại Thụy Sỹ, ông Trump nhấn mạnh: “Trung Quốc cần mở cửa thị trường cho Mỹ”, đồng thời đề xuất mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên ông đưa ra con số cụ thể, thấp hơn mức thuế hiện tại 145%.
Các nhà đầu tư kỳ vọng cuộc gặp giữa hai nền kinh tế lớn sẽ là bước khởi đầu để hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan, vốn đang gây lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đe doạ khiến lạm phát quay trở lại.
Nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Ameriprise ở Troy, Russell Price, cho rằng cuộc đàm phán có thể mang tính bước ngoặt, nhưng cũng lưu ý sẽ rất khó để kỳ vọng về một kết quả tích cực và đàm phán vẫn có thể đi theo bất kỳ hướng nào.
Đồng sáng lập kiêm giám đốc đầu tư tại nền tảng công nghệ đầu tư ETF Tidal Financial Group ở thành phố New York, Mike Venuto, đánh giá đàm phán Mỹ – Trung sẽ mất nhiều thời gian hơn những gì thị trường mong muốn, có thể cần tới một năm để giải quyết.
Còn theo Giám đốc điều hành tại công ty dịch vụ đầu tư Rosenblatt Securities, Michael James, thị trường có chút lo lắng và có thể sẽ có một lượng chốt lời đáng kể trong các phiên giao dịch sắp tới. Ông lưu ý, các nhà đầu tư cần thận trọng trước bất kỳ thông tin tiêu cực nào từ các cuộc họp.
Nguồn: VTV