Trang chủ kinh-te “Cởi trói” để kinh tế tư nhân hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế

“Cởi trói” để kinh tế tư nhân hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế

bởi Admin
0 Lượt xem

Vẫn tồn tại nhiều rào cản cản đường phát triển

Trong bài viết: “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm có nhấn mạnh: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn cao gấp đôi mức trung bình của các quốc gia đang phát triển, bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu…Thành công này có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân”.

Hiện khu vực kinh tế tư nhân đang rất đông đảo với gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 51% GDP – hơn 30% ngân sách Nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm – chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Có thể thấy, kinh tế tư nhân đã và đang từng bước khẳng định vai trò và là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá, mặc dù thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều cải cách tích cực để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, song vẫn tồn tại một số rào cản cần gỡ bỏ.

Bàn về vấn đề này, theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, một trong những rào cản đang cản đường kinh tế tư nhân phát triển là thủ tục hành chính và chí phí hành chính vẫn còn lớn, phức tạp. Đến nay, hệ thống pháp luật vẫn còn chồng chéo, vẫn tồn tại tình trạng luật chồng luật, quy định chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân.

Thực tế cho thấy, đa phần khu vực tư nhân là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ với quy mô tài chính nhỏ, nội lực chưa mạnh, khả năng cạnh tranh yếu, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Trong khi đó, vẫn phải gánh rất nặng trên vai nhiều thủ tục hành chính phức tạp, tốn thời gian, nguồn lực và đội các chi phí lên cao.

Đại diện phía doanh nghiệp, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội dẫn chứng, đến nay để thành lập một doanh nghiệp mới mất trung bình 16 ngày. “Đây là một rào cản không nhỏ khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay”, ông Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho hay, nhiều doanh nghiệp thành viên cho biết gặp vô vàn khó khăn trên con đường tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất – kinh doanh. Những chính sách giảm lãi suất, giảm thuế đã triển khai vẫn chưa giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính. 

Về câu chuyện này, đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã chỉ rõ, các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng vẫn chưa thực sự hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, tín dụng do những quy trình phức tạp và rào cản hành chính. 

Ngoài ra, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành năm 2017, trong đó có quy định giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, một chính sách được đánh giá tốt, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai quy định này. Hiện doanh nghiệp này vẫn chưa được thụ hưởng chính sách giảm thuế bởi vì luật thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chưa sửa đổi.

Tìm lời giải cho bài toán “phát triển kinh tế tư nhân”

Trao đổi về giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho kinh tế tư nhân, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, trong bài viết: “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư đã nêu 7 nhóm giải pháp và chúng ta cần nhanh chóng thực hiện.

Doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao nội lực bằng chất lượng hàng hóa và thương hiệu chân chính.

“Theo tôi, cần tập trung thay đổi tư duy đối với khu vực kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp phải gắn bó với thương hiệu của quốc gia, làm không chỉ vì lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh, mà còn vì lợi ích cho đất nước, cho dân tộc. Doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao nội lực bằng chất lượng hàng hóa và thương hiệu chân chính, đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh và hiệu quả. Song song với đó, toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc để cắt giảm 30% thủ tục hành chính, 30% chi phí kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm cả chi phí không chính thức, 30% xử lý hồ sơ, kể cả trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện rất quyết liệt hai cuộc cách mạng: Cách mạng về thể chế và cách mạng tin gọn tổ chức bộ máy”, ông Lực phân tích. 

Bên cạnh đó, nước ta cần phải có hệ sinh thái để khuyến khích nâng cấp hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đơn cử, khu vực kinh tế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đóng góp khoảng 23% GDP cần có chính sách khuyến khích, đơn giản hóa thủ tục để hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp. Trong qua trình đó, cơ quan quản lý nhà nước cần giúp họ kỹ năng quản trị doanh nghiệp, giúp họ kết nối hệ sinh thái giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ trong và ngoài nước để khi sản xuất kinh doanh có cả đầu vào và đầu ra, kết nối doanh nghiệp với nhau. Làm được như vậy thì chỉ tiêu Chính phủ đưa ra đạt 1,5 triệu doanh nghiệp có thể đạt được trong thời gian tới.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nước ta cần đẩy mạnh giải pháp công nghệ trong cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến thống nhất trên cả nước. Đồng thời cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ và minh bạch về các kết quả cải cách của cơ quan hành chính và đo lường giá trị mà doanh nghiệp nhận được.

Thêm vào đó, theo ông Tuấn, cần tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân không có lợi thế về tiếp cận đất đai, không ưu đãi về vay vốn ngân hàng, trong khi 2 khu vực doanh nghiệp kia hoàn toàn có. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu tiếp cận nguồn vốn qua kênh duy nhất là ngân hàng với lãi suất tương đối cao.

Về vấn đề nguồn vốn, theo ông Lực, trong nền kinh tế có 5 nguồn vốn, vốn tín dụng ngân hàng thông thường đóng góp 50%, và 50% là những nguồn vốn khác. Doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ của Nhà nước nên đa dạng hóa các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, đầu tư công…Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, quản trị công khai minh bạch hơn, số liệu phản ánh chính xác về tình hình sản xuất kinh doanh của mình để ngân hàng thẩm định chính xác, qua đó mới cho vay tín chấp…

“Bản thân doanh nghiệp cần tăng cường chất lượng quản trị, ứng dụng công nghệ để hoạt động hiệu quả, thúc đẩy liên kết của các doanh doanh nghiệp với nhau để hỗ trợ nhau, cùng nhau lớn lên và tham gia sâu hơn nữa đối với chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Anh nhấn mạnh thêm./.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan