Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều biến động kinh tế vĩ mô, các quốc gia Đông Nam Á đang nhìn nhận lại các ưu tiên và cơ hội đối với nền kinh tế xanh. Ấn bản thứ 6 của báo cáo Nền Kinh tế Xanh Đông Nam Á do Bain & Company, GenZero, Google, Standard Chartered và Temasek phối hợp thực hiện đã được công bố giới thiệu một phương pháp tiếp cận dựa trên hệ thống nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tác động trong khu vực.
Nếu được thúc đẩy thông qua hợp tác sâu rộng hơn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), phương pháp này có thể tạo ra tác động kinh tế đáng kể – giúp nhóm nền kinh tế trong nhóm SEA-6 (6 nền kinh tế Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) có thể thu về tới 120 tỷ USD trong tăng trưởng GDP, tạo ra 900.000 việc làm mới và thu hẹp 50% khoảng cách phát thải vào năm 2030.
Theo báo cáo, đầu tư xanh từ khu vực tư nhân đạt 161 triệu USD vào năm 2024 tại Việt Nam, chiếm khoảng 2% tổng đầu tư của nhóm SEA-6. Khối lượng giao dịch tăng lên và dòng vốn đầu tư đã chuyển dịch từ năng lượng mặt trời sang giao thông vận tải và điện gió.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực, đạt 43%. Chính phủ đang thúc đẩy các kế hoạch quốc gia như Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, đồng thời mở rộng hạ tầng lưới điện và triển khai khoảng 3.000 trạm sạc xe điện. Việc báo cáo khí thải bắt buộc cũng đã được áp dụng cho các ngành trọng điểm.
Báo cáo nhấn mạnh rằng để đạt được kết quả ở quy mô lớn, chính phủ các nước phải nhìn nhận nền kinh tế xanh của Đông Nam Á như một tập hợp các hệ thống phức tạp và liên kết với nhau. Hướng tiếp cận mang tính hệ thống này bao gồm xác định các rào cản tác động dẫn tới việc tiếp diễn tình trạng phát thải của các nền kinh tế xanh tại khu vực Đông Nam Á; từ đó, tìm kiếm các giải pháp tạo tác động lớn để giải quyết các rào cản này trên nhiều hệ thống; trong đó, ưu tiên những giải pháp có tiềm năng tạo ra những thay đổi bền vững nhất.
Những giải pháp này giúp Đông Nam Á duy trì định hướng trong bối cảnh bất ổn vĩ mô, đồng thời tạo ra những cơ hội phát triển xanh mới, cải thiện khả năng phục hồi và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, đồng thời hỗ trợ các mục tiêu khí hậu. Đông Nam Á nói riêng và khu vực APAC nói chung có thể chứng kiến sự gia tăng phát triển kinh tế xanh nhờ cách tiếp cận này.
“Nhận định phổ biến hiện nay cho rằng môi trường vĩ mô mới sẽ làm chậm tiến trình kinh tế xanh. Tuy nhiên, Đông Nam Á – và rộng hơn là APAC – có thể chứng kiến sự tăng tốc khi các chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư điều chỉnh lại ưu tiên. Bằng cách tập trung vào các giải pháp cấp hệ thống có thể mở rộng và có tác động cao, Đông Nam Á có thể viết lại sách lược phát triển kinh tế xanh và biến thách thức hiện tại thành cơ hội. Chúng ta cần đồng thời đạt được hai kết quả then chốt – cắt giảm phát thải đáng kể và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững – để khu vực vừa đạt được mục tiêu khí hậu vừa xây dựng khả năng phục hồi và thịnh vượng lâu dài,” ông Dale Hardcastle, Đối tác và Đồng Giám đốc Trung tâm Đổi mới Bền vững Toàn cầu của Bain & Company, nhận xét.
Báo cáo năm nay cũng đề xuất tăng cường hợp tác giữa thị trường Đông Nam Á và APAC nhằm phát triển tối đa tiềm năng kinh tế xanh.
Khu vực APAC và Đông Nam Á đóng vai trò then chốt trong công cuộc phi carbon hóa toàn cầu. Khu vực APAC chiếm tới một nửa lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, trong khi Đông Nam Á chiếm 7,5%. Cả hai khu vực này đều phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Dựa trên các xu hướng hiện tại, phần lớn các nước APAC sẽ không thể đạt được mục tiêu vào năm 2030, và khoảng cách phát thải sẽ còn tiếp tục tăng lên vào năm 2040 và 2050. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á vẫn dễ bị tổn thương do chưa thể kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải. Vì vậy, chính phủ cần có các biện pháp can thiệp khẩn cấp để thay đổi quỹ đạo này và đạt được mục tiêu.
AI vừa là thách thức vừa là cơ hội cho nền kinh tế xanh
Báo cáo này xác định ba giải pháp cốt lõi ở cấp hệ thống quan trọng cho tăng trưởng và giảm phát thải carbon ở Đông Nam Á – bao gồm kinh tế sinh học bền vững, phát triển lưới điện thế hệ mới, và xây dựng hệ sinh thái xe điện (EV).
Báo cáo cũng nhấn mạnh 3 giải pháp hỗ trợ nhằm gia tăng tác động của các giải pháp cấp hệ thống.
Tài chính khí hậu và chuyển đổi đang có xu hướng tăng trưởng tại Đông Nam Á, tuy nhiên khu vực vẫn đang đối mặt với khoảng trống tài trợ hơn 50 tỷ USD – con số này có thể còn tăng trong bối cảnh bất ổn vĩ mô. Bên cạnh đó, mô hình tài chính kết hợp (blended finance) đang phát triển nhưng vẫn bị hạn chế bởi quy mô giao dịch nhỏ, thủ tục hành chính rườm rà và thiếu sự dồng bộ giữa các bên đầu tư. Việc thúc đẩy các chính sách thuận lợi, phát triển nhân lực và tăng cường hợp tác công – tư là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiến độ.

Các cơ chế tài chính đổi mới như tài trợ dựa trên thỏa thuận mua bán (offtake-based financing) và quỹ hạ tầng (infrastructure funds) đang thu hút nhiều sự quan tâm, nhưng sự thành công của chúng sẽ phụ thuộc vào mức độ phát triển các mô hình được chuẩn hóa, dễ áp dụng và có thể nhân rộng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng sự phối hợp giữa các bên là yếu tố then chốt. Vì vậy, chính phủ cần tiêu chuẩn hóa hệ thống phân loại (taxonomy) và mở rộng mô hình đồng tài trợ, trong khi các nhà đầu tư thương mại cần đẩy mạnh quy mô đầu tư.
Trí tuệ nhân tạo (AI) vừa là thách thức vừa là cơ hội cho nền kinh tế xanh. Nhu cầu về trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 19% đến năm 2030, ở cả nhóm công việc liên quan đến AI lẫn công việc không liên quan đến AI. Các trung tâm dữ liệu này có thể tạo ra tới 2% tổng lượng phát thải ở các quốc gia thuộc nhóm SEA-6, tuy nhiên xu hướng này có thể thay đổi nhờ những tiến bộ về phần cứng, phần mềm và việc gia tăng sử dụng năng lượng sạch.
Để phát triển các trung tâm dữ liệu bền vững, cần triển khai đa dạng các giải pháp năng lượng xanh, trong đó việc mở rộng tiếp cận với lưới điện sạch đóng vai trò then chốt. Đồng thời, thúc đẩy cơ chế mua điện thông qua các hợp đồng mua bán điện (PPA) hoặc các cơ chế bù đắp carbon có độ tin cậy cao.
Song, AI cũng góp phần cắt giảm 3-5% lượng khí phát thải trong các lĩnh vực phát thải cao như nông nghiệp và thiên nhiên, năng lượng và giao thông vận tải. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, chính phủ các nước cần đầu tư một cách có chủ đích, ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp và thúc đẩy việc áp dụng AI trên quy mô lớn.
Nguồn: VTV