Trang chủ kinh-te Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân

Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân

bởi Admin
0 Lượt xem

Thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân – chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa – vẫn được nhận diện là mắt xích yếu trong quá trình hội nhập, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức còn manh mún, khó đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trước thực tế đó, Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã có những quan điểm mang tính đột phá, tháo gỡ rào cản và mở ra không gian phát triển thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân.

Khởi nghiệp trong giai đoạn đại dịch Covid 19 bùng phát, tuy nhiên với nhiều nỗ lực, đến nay 9 sản phẩm OCOP 4 sao của doanh nghiệp đã bước đầu tiếp cận được với thị trưởng. Theo đại diện doanh nghiệp, thời gian qua chỉ khi điểm nghẽn về đầu ra cho sản phẩm được hỗ trợ tháo gỡ, doanh nghiệp mới ổn định sản xuất.

Bà Hoàng Thị Thuỳ Linh – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm DBFOOD, Vĩnh Phúc cho biết: “Nếu chúng tôi chỉ đi một mình, thì có lẽ là đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp của tôi có thể rất manh mún hoặc có thể đã đóng cửa. Từ việc nghiên cứu cho đến đưa việc sản phẩm ra thị trường và mở rộng sản xuất, tất cả đều rất khó khăn. Nhờ có sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước, chúng tôi bước đầu đã có được sự thành công của mình”.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động có thể trụ được trong cạnh tranh, 60% đang phải cố gắng để tồn tại. Nguyên nhân được chỉ ra do khối doanh nghiệp này hoạt động thiếu tính kết nối, cùng với đó khoảng cách giữa chủ trương chính sách hỗ trợ với thực thi còn lớn và chưa bám sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Hồng Nhung – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn rằng trong thời gian tới sẽ có các cơ chế của Nhà nước thông qua các đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đề án hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể. Thông qua các đề án đó, chúng tôi sẽ có thể có nguồn vốn để hỗ trợ lại cho doanh nghiệp trong quá trình chúng tôi đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển”.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam nhận định: “Chúng ta có thể nhìn thấy ngay tại thị trường Việt Nam, các cơ quan ngoại giao, các cơ quan thương mại của các nước hỗ trợ cho hàng hoá, dịch vụ của họ rất mạnh, rất hiệu quả, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam tương đối đơn độc. Đại đa phần các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp tự tìm kiếm thị trường phải nói rất khó khăn. Cho nên, các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới, theo tôi phải cải cách mạnh mẽ theo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn và gắn với thị trường hơn”.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Do vậy, việc đồng hành, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, sẽ giúp khối doanh nghiệp này chủ động, dám nghĩ lớn, vươn lên cùng với các thành phần kinh tế khác, góp phần đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan