Đây là công trình trọng điểm không chỉ của tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) mà còn của cả hai quốc gia, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ, tình hữu nghị lâu đời và quyết tâm phát triển kinh tế, giao thương bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Phần cầu và đường dẫn phía Việt Nam có chiều dài 40m bằng dầm hộp bê-tông cốt thép dự ứng lực đúc trên đà giáo cố định. Đường đầu cầu có chiều dài 232,5m chiều rộng nền đường 35m, chiều rộng mặt đường 25m. Kết cấu mặt đường bằng bê-tông nhựa. Tổng mức đầu tư toàn dự án là 1.500 tỷ đồng, trong đó, tổng kinh phí xây dựng cầu phía Việt Nam thực hiện khoảng 300 tỷ đồng.
Ông Trần Đức Nam – Giám đốc Ban điều hành Dự án Cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát, Việt Nam cho biết: “Thiết bị tối tân nhất của công ty đã được đưa về dự án để triển khai thi công. Bên cạnh đó, nhà thầu huy động đội ngũ anh em kỹ sư lành nghề cùng với đội ngũ công nhân lao động có tay nghề cao đến công trường để tham gia dự án và đẩy nhanh tiến độ”.
Ông Hồ Cao Khải – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Đã thành lập các tổ liên hợp của mỗi bên để trong suốt quá trình thực hiện triển khai thi công công trình cầu, nhằm tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công có thể xảy ra, hai bên trao đổi. Chúng tôi cũng thống nhất với bên Trung Quốc để đẩy nhanh tối đa tiến độ hoàn thành”.
Việc đầu tư xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) – Bá Sái (Trung Quốc) không chỉ có ý nghĩa kết nối hạ tầng giao thông giữa hai quốc gia, mà còn khẳng định vai trò cửa ngõ giao thương của tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh -Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Dự án sẽ hoàn thành sau 18 tháng kể từ ngày khởi công.
Ông Hoàng Quốc Khánh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai nhận định: “Đây là một dự án hết sức quan trọng, là một điểm thông quan của cửa khẩu quốc tế Lào Cai và giúp cho khu vực kinh tế cửa khẩu của Lào Cai có sự phát triển, thực sự trở thành một trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam, các nước ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc”.
Việc hoàn thành công trình sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác về kinh tế, đầu tư, đồng thời nâng cao đời sống của nhân dân hai bên biên giới.
Nguồn: VTV