Trang chủ kinh-te Đề xuất áp giá trần ngăn giá nhà ở xã hội “nhảy múa”

Đề xuất áp giá trần ngăn giá nhà ở xã hội “nhảy múa”

bởi Admin
0 Lượt xem

Đề xuất áp giá trần với nhà ở xã hội

Nơi thừa – nơi thiếu, đó là thực trạng trên thị trường nhà ở hiện nay. Tại Hà Nội, từ cuối quý II này, dự kiến sẽ có một số dự án nhà ở xã hội bắt đầu mở bán, nhận hồ sơ bốc thăm. Tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng rõ ràng nguồn cung nhà ở vẫn ít so với nhu cầu.

Để thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và hoàn thành chỉ tiêu cụ thể của từng địa phương mà Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, trong báo cáo thẩm định dự thảo Nghị quyết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung giá trần với nhà xã hội nhằm đảm bảo quyền tiếp cận nhà ở của người dân, lao động thu nhập thấp… Điều này đồng nghĩa với việc quy định một mức giá bán nhà cao nhất, chủ đầu tư không được bán vượt quá mức giá đó.

Từ cuối quý II, sẽ có 4 dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội được mở bán, trong đó có 3 dự án đã công bố giá bán tạm tính gồm: Dự án CT3 Kim Chung tại huyện Đông Anh 18,4 triệu đồng/m2, Dự án Kim Hoa ở huyện Mê Linh là 21,2 triệu đồng/m2, Dự án Hạ Đình tại huyện Thanh Trì 25 triệu đồng/m2.

Đề xuất áp giá trần ngăn giá nhà ở xã hội nhảy múa - Ảnh 2.

Nếu đặt bên cạnh mức giá chung cư thương mại trung bình tại Hà Nội đã vọt lên mức 75 triệu đồng/m2 thì mức giá nhà ở xã hội chỉ bằng 1/3. Nhưng khi so với vài năm trước, giá bán nhà ở xã hội được duyệt thường dao động 13 – 17 triệu đồng/m2 thì giá nhà ở xã hội hiện nay đã tăng khá nhanh.

Giá nhà ở xã hội hiện nay do địa phương phê duyệt, không được vượt quá 10% tổng mức lợi nhuận của dự án. Đề xuất áp giá trần, bỏ qua khâu duyệt giá bán đã từng nhiều lần được để cập đến. Ví dụ, tại một tỉnh, quy định mức giá trần là 15 triệu đồng/m2 với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng rõ ràng, tránh giá nhà ở xã hội “nhảy múa” như giá nhà thương mại.

Phản hồi đề xuất này, Bộ Xây dựng cho biết, việc quy định giá trần nhà xã hội cần tiếp tục nghiên cứu.

Đề xuất áp giá trần ngăn giá nhà ở xã hội nhảy múa - Ảnh 3.

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng – cho rằng: “Giá trần sẽ chỉ phù hợp đối với các trường hợp mà chúng ta xây trên các quỹ đất sạch đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chúng ta chỉ có việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội lên thôi thì việc xác định giá trần là phù hợp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mà chúng ta xây dựng đồng bộ cả một khu trong đó có các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì việc xác định giá trần là rất khó. Cho nên hiện tại, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu”.

Trong dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, một số ưu đãi cụ thể đã được đề xuất như: được áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư, thời gian thực hiện thủ tục dự án nhà ở xã hội sẽ rút ngắn xuống còn 1,5 năm (trước đây khoảng 3 năm), lợi nhuận của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng được điều chỉnh tăng lên 13% chi phí thay vì 10% như hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp đã cho sẵn quỹ đất, cho biết họ đang chờ đợi các ưu đãi cụ thể được ban hành để có thể tham gia xây dựng nhà ở xã hội.

Thừa biệt thự bỏ hoang, thiếu nhà xã hội

Cách đây 2 năm, hàng nghìn người đã xếp hàng bốc thăm mua nhà ở xã hội tại Hà Nội. Nhà xây xong nhanh chóng kín người tới ở. Một khung cảnh đáng mơ ước đối với tất cả các dự án bất động sản nhưng giờ đây lại là hình ảnh đối lập với những căn biệt thự trị giá vài chục tỷ đồng tại Hà Nội bị bỏ hoang vắng, không được sử dụng.

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở hiện nay chủ yếu phục vụ nhóm người có tài chính cao và nhà đầu tư. Trong khi đó, nhóm đối tượng này ít có nhu cầu ở thật. Bởi vậy mới có tình trạng thà bỏ hoang nhà nhưng giá không giảm.

Một số căn biệt thự hàng chục tỷ đồng đã trở thành nơi ở tạm của các nhóm công nhân làm việc xung quanh, cây cỏ mọc khắp nơi. Theo khảo sát, giá các căn biệt thự này có giá từ 30 tỷ đến 100 tỷ đồng, nằm ngay giữa các khu vực đang phát triển sầm uất của Hà Nội. Sự lệch pha, mất cân đối cung – cầu, xây nhà giá cao quá nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Cân bằng cung – cầu nhà ở bằng quy hoạch tốt

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, Nhà nước cần tăng quy hoạch phát triển các dự án nhà giá hợp lý, nhà ở xã hội, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định dành 20% quỹ đất trong khu đô thị để xây nhà ở xã hội. Từ đó, vấn đề cân bằng cung – cầu mới có thể được giải quyết.

Với các kế hoạch cụ thể, riêng tại Hà Nội, số lượng các căn hộ nhà ở xã hội đang dần được cải thiện. Từ giữa năm nay, có những dự án có hàng nghìn căn hộ nhà ở xã hội sẽ được mở bán.

Theo phản ánh, trong tháng vừa qua, lượng người đến các các trung tâm hành chính công ở Hà Nội để làm thủ tục xin xác nhận mua nhà ở xã hội tăng đột biến. Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ cơ quan chức năng, việc đổ xô đi xác nhận điều kiện nhà ở thời điểm này là không cần thiết, thậm chí có thể gây lãng phí thời gian, tiền bạc. Nguyên nhân là bởi chủ đầu tư chưa chính thức tiếp nhận hồ sơ. Người dân có nhu cầu nên chờ thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng bởi theo thông lệ, thời gian tiếp nhận hồ sơ kéo dài khoảng 1 tháng và hoàn toàn đủ để hoàn thiện giấy tờ.

Nguồn: VTV

Bài viết liên quan