Mía được mùa, được giá
Cả nước hiện có 180.000 ha mía. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch được khoảng 2/3 diện tích. Năm nay lại một năm người trồng mía có vụ mùa phấn khởi vì mía được mùa, được giá.
Hiện tại, mía được các nhà máy trên cả nước thu mua với khoảng 1 tấn với giá từ 1.300.000 -1.350.000 đồng. Mức giá này tăng khoảng 10-15% so với những niên vụ trước. Như ở Phú Yên, nơi đang có 3 nhà máy đường: Nếu như vụ trước, mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường được mua với giá 1,3 triệu đồng/tấn thì hiện nay giá thu mua đã cao hơn 50.000 đồng/tấn. Sản lượng đường vụ này ước đạt trên 1,2 triệu tấn.
Doanh nghiệp mía đường điêu đứng vì đường lậu
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kể từ khi Chính phủ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, từ năm 2021, ngành đường trong nước đã ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể.
Hiện, giá mía trong nước được các nhà máy thu mua tương đương hoặc cao hơn so với các quốc gia trồng mía trong khu vực. Còn năng suất đường của nước ta hiện nay đang dẫn đầu khu vực. Điều đó cho thấy chuỗi liên kết mía đường đang phát triển đúng định hướng.
Tuy nhiên, hiện nay, đà phát triển này đang gặp trở ngại vì bế tắc đầu ra. Ngay vào thời điểm này, hàng loạt nhà máy đang rơi vào tình cảnh khó khăn vì đường tồn kho.
Lượng đường tồn kho lên đến hơn 70% có liên quan đến việc đường nhập lậu bán công khai trên thị trường
Nhà máy đường vào vụ sản xuất đến nay đã 6 tháng và bao tiêu 300.000 tấn mía cho nông dân với giá 1.350.000 đồng/tấn. Lượng đường sản xuất ra khoảng 27.000 tấn nhưng nửa năm nay chỉ bán được khoảng 2.000 tấn. Mía vẫn phải thu vào cho nông dân, còn đường làm ra không bán được nên các nhà kho đang không còn chỗ để trữ đường. Lúc này đường phải đưa ra sân. Đường tồn kho phát sinh hàng loạt chi phí. Khó nhất là vẫn đang xoay ở nguồn vốn để trả tiền mua mía cho nông dân.
Ông Thái Văn Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa, Phú Yên cho biết: “Tình hình đường nhập lậu hiện nay càng ngày càng tăng, số lượng dự kiến hiện nay khoảng 1 triệu tấn đường nhập lậu vào thị trường nội địa Việt Nam và đang chi phối, chiếm lĩnh thị trường đường. Với tình hình như vậy, nếu các cơ quan chức năng không can thiệp và ra quân quyết liệt sẽ ảnh hưởng rất lớn cho nông dân trồng mía”.
24 nhà máy đường trên cả nước cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đầu ra gần như bế tắc vì đường lậu đang bán trên thị trường. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, đầu vụ ép đến ngày 30/4, lượng đường sản xuất của các nhà máy đạt gần 1,1 triệu tấn đường nhưng hiện tồn kho lên đến 73%. Ví dụ như nhà máy đường, nhiều năm qua sản xuất mía đường theo chuỗi tuần hoàn, giảm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh nhưng ngay vụ này đang đối diện với tình trạng đường tồn kho kỷ lục do đường nhập lậu chiếm lĩnh trên thị trường.
Ông K.V.S.R Subbaiah – Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp KCP Việt Nam nêu ý kiến: “Khi đường lậu vào ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân sản xuất mía. Đặc biệt, năm nay, diện tích mía tăng cao hơn. Và khi đường lậu vào ảnh hưởng giá mía của người nông dân trong tương lai”.
Hiện cả nước có khoảng 225.000 hộ nông dân có quan hệ các nhà máy đường. Nhiệm vụ của nông dân sản xuất mía đưa vào các nhà máy để sản xuất đường và khi đường không tiêu thụ được cũng đồng nghĩa nông dân và doanh nghiệp đều gặp khó.
Đường lậu bán công khai trên thị trường
Lượng đường tồn kho lên đến hơn 70% có liên quan đến việc đường nhập lậu bán công khai trên thị trường.
Trong một báo cáo được Hiệp hội Mía đường Việt Nam gửi Bộ Công Thương cho thấy, các loại đường bất hợp pháp, đường nhập lậu từ Campuchia, Lào có nguồn gốc từ Thái Lan có bản chất là đường bán phá giá. Và các loại đường nhập lậu trốn thuế đã chiếm lĩnh thị trường tự do khiến đường sản xuất trong nước rất khó tiêu thụ.
Tại chợ đầu mối lớn nhất tỉnh Phú Yên, ngay trong khu trung tâm không khó để bắt gặp tiểu thương mang đường có nguồn gốc từ Thái Lan được cất ngay tại kho trong chợ rồi đi giao cho khách. Đường được chở công khai trên phố và được giao tận nhà cho người mua.
Ngay trong các sạp hàng trong chợ, những bao đường có nguồn gốc, xuất xứ từ Thái Lan cũng được để công khai ở các lối đi. Từ chia sẻ của các tiêu thương, phóng viên đã tìm đến một chủ bán đường lớn trong chợ. Tại đây, khi đặt vấn đề mua đường có nguồn gốc Thái Lan, chủ sạp cho biết mua bao nhiêu cũng có.
Ở trong chợ, dễ dàng mua đường Thái Lan nhập lậu theo cách đưa tiền, đường lậu được đưa đến tận nơi. Còn ở tại bến xe trung tâm – nơi các nhà xe chuyên chở hàng về khắp các nơi trong tỉnh, không khó để bắt gặp đường cát có nguồn gốc Thái Lan đưa lên các xe. Thậm chí, khi phát hiện có người ghi hình, các đối tượng ngay lập tức ngăn cản.
Ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định: “Bản chất của loại đường bất hợp pháp đang lưu hành trên thị trường chính là đường phá giá có nguồn gốc từ Thái Lan. Hiện nay, nếu muốn bán đường, các nhà máy buộc phải bán dưới giá thành sản xuất. Và hệ quả ngay lập tức dẫn đến giảm giá mua mía của nông dân và dài hạn sẽ huỷ hoại chuỗi liên kết sản xuất mía đường dẫn đến đóng cửa các nhà máy chế biến mía đường”.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm 2024, tổng cung đường bất hợp pháp là gần 839.000 tấn và hiện nay tiếp tục gia tăng. Hệ quả của đường lậu không chỉ khiến đầu ra của đường trong nước bế tắc mà 22.500 hộ nông dân trồng mía trên cả nước sẽ rơi vào khó vì đường lậu đang bán công khai và khâu kiểm soát ở nhiều nơi vẫn chưa làm rốt ráo.
Kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu của Bộ Công Thương tháng 3 vừa qua đã xác định, một công ty của Indonesia đã có hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hải quan và các cơ quan liên quan theo dõi tình hình nhập khẩu các sản phẩm đường mía, tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung – cầu, giá cả… nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích giữa người trồng mía, các doanh nghiệp sản xuất, người tiêu thụ và người tiêu dùng.
Nguồn: VTV