Tái cấu trúc thị trường xuất khẩu thủy sản
Với lĩnh vực thủy sản, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 1/5 tổng giá trị toàn ngành.
Việc tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đã tạo ra hiệu ứng tích cực ban đầu. Tuy nhiên, tương lai xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp thủy sản cần chủ động tái cấu trúc thị trường tiêu thụ và tìm hướng đi mới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, trong thời gian 90 ngày này, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ trung chuyển, giao hàng, để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao.
Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng phương án mở rộng thị trường mới, dần thay thế thị trường Hoa Kỳ, với trọng tâm hướng tới các khu vực tiềm năng như ASEAN, Trung Đông, Hàn Quốc và EU.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu tích cực ngay trong quý I năm nay
Thay đổi để thích ứng thị trường châu Âu
Trước những biến động khó lường từ thị trường Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2024. Để nâng cao giá trị, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách làm, chủ động hơn, bài bản hơn để thích ứng hiệu quả với những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn.
Một hộp cá ngừ chuẩn bị xuất khẩu đi châu Âu, hiện có mức giá bán khoảng 1 Euro. Việc đầu tư chế biến sâu giúp cho các doanh nghiệp ứng phó hiệu quả trước tình trạng nguồn nguyên liệu sụt giảm và đặc biệt, khi cước tàu tăng cao.
Mỗi năm, xuất khẩu thủy sản mang về hơn 10 tỷ USD. Con số này đang sụt giảm khi khâu thả nuôi của nông dân chưa thật sự bền vững và các nhà máy liên tục bị động về nguồn nguyên liệu.
Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Phú cho biết: “Nông dân rất khó vì bao năm nay, nuôi tôm thất bại. Sổ đỏ cắm vào ngân hàng, nên giờ không có vốn để đầu tư phát triển. Ngân hàng không dám cho vay”.
Theo các chuyên gia đầu ngành, nên sớm có một trung tâm dữ liệu quốc gia cho ngành thủy sản. Ở đó sẽ cập nhật mọi thông tin, chính sách, diễn biến của thị trường để giúp nông dân, doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Nắm bắt cơ hội từ các thị trường mới
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu tích cực ngay trong quý I năm nay. Kim ngạch đạt khoảng 2,45 tỷ USD, tăng tới 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh những thị trường truyền thống, các thị trường mới như Nam Mỹ và Trung Đông cũng đang mở ra nhiều cơ hội, khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại các khu vực này liên tục tăng trong thời gian vừa qua.
Trong năm 2024, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước cung cấp thủy sản lớn thứ hai cho Brazil, chiếm hơn 17% sản lượng và gần 9% tổng giá trị nhập khẩu của quốc gia này. Nhu cầu tiêu thụ tại Brazil tiếp tục tăng, mở ra thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam.
Cùng với đó, khu vực Trung Đông cũng trở thành một trong bốn thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của nước ta, với kim ngạch đạt gần 113 triệu USD trong năm qua.
Có thể thấy, việc chủ động mở rộng thị trường không chỉ giúp thủy sản Việt Nam giảm phụ thuộc vào một thị trường nhất định, mà còn đa dạng hóa đầu ra, ổn định kim ngạch. Đây cũng là giải pháp chiến lược để toàn ngành vững vàng ứng phó với biến động và giữ đà tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Nguồn: VTV