Với mức thuế quan của Mỹ lên tới 145% và triển vọng đàm phán thương mại chưa rõ ràng, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang đứng trước thách thức lớn do mất thị phần ở một thị trường hàng đầu. Bởi vậy, giới chức nước này đang nỗ lực khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hướng về thị trường nội địa. Nhưng đây cũng vẫn là một quá trình không dễ dàng với các nhà sản xuất đang có nguồn thu lớn từ xuất khẩu.
Nằm tại thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, công ty sản xuất cốc đĩa dùng một lần đang gặp khó khăn lớn từ thuế quan, khi có tới 3/4 lượng đơn hàng xuất sang Mỹ bị hủy.
Ông Liu Yingxin – Tổng Giám đốc Công ty Đồ nhựa và giấy Linyi Hongtai cho biết: “18 container thành phẩm của chúng tôi đang bị kẹt trong kho. Chúng tôi đang rất lo lắng và muốn giải quyết hết lượng hàng tồn kho này”.
May mắn là tình hình đã phần nào bớt căng thẳng với sự hợp tác của ông lớn thương mại điện tử JD.com. Chỉ sau hai ngày, một lượng lớn sản phẩm đã được tung lên bán sàn trực tuyến ở trong nước.
Trước đó, JD.com đã công bố chương trình đầu tư 200 tỷ NDT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều hãng thương mại điện tử khác cũng đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ các nhà xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường nội địa. Trong đó, các nền tảng chi tiền mua lại hàng tồn kho, cung cấp kênh bán hàng, mạng lưới logistic và kênh hỗ trợ để giúp nhà xuất khẩu có thể tiếp cận khách hàng trong nước.
Với những thách thức từ thuế quan của Mỹ, giới chức Trung Quốc đang nỗ lực định hướng doanh nghiệp xuất khẩu chuyển về thị trường nội địa. Các biện pháp bao gồm khuyến khích nhà bán lẻ địa phương bán các mặt hàng xuất khẩu và tạo điều kiện cho nhà xuất khẩu tham gia hội chợ thương mại trong nước.
Ông Zhang Rongyao – Phòng Thương mại huyện Dư Diêu, Ninh Ba, Chiết Giang chia sẻ: “Các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các hội chợ thương mại trọng điểm nằm trong chương trình sẽ khoản trợ cấp 15.000 NDT cho mỗi hội chợ, với tổng số tiền trợ cấp là 100.000 NDT cho mỗi công ty”.
Dù có những sự hỗ trợ, việc chuyển đổi từ thị trường nước ngoài về nội địa vẫn không phải là dễ dàng. Quan trọng nhất là mức lợi nhuận từ bán hàng xuất khẩu rất cao và có nhiều rủi ro cạnh tranh hơn khi bán hàng ở trong nước.
GS. He-Ling Shi – Chuyên ngành Kinh tế – Tài chính, Đại học Monash, Australia nêu ý kiến: “Thị trường Trung Quốc có mức độ cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, biên lợi nhuận xuống thấp gần như bằng 0, khiến một số nhà xuất khẩu có thể không trụ được ở thị trường nội địa”.
Bên cạnh đó, hiện nay Trung Quốc cũng đang gặp thách thức lớn nhằm thúc đẩy sức mua tiêu dùng nội địa, điều này cũng phần nào khiến các nhà xuất khẩu nước này gặp khó khăn lớn hơn, khi muốn thâm nhập trở lại vào thị trường nội địa.
Nguồn: VTV