Ngày 19/12/2024, Quốc hội đã chính thức phê duyệt Nghị quyết số 172/QH15, xác lập chủ trương đầu tư cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Chưa đầy bốn tháng sau, vào ngày 23/4/2025, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP nhằm cụ thể hóa kế hoạch triển khai nghị quyết của Quốc hội – nhấn mạnh tính lưỡng dụng của hệ thống: vừa phục vụ vận tải hành khách, vừa có khả năng hỗ trợ vận tải hàng hóa và đảm bảo quốc phòng – an ninh khi cần.
Trong một động thái thể hiện sự quyết liệt, Chính phủ yêu cầu hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng trước ngày 31/12/2026 – thời điểm dự kiến khởi công dự án. Mục tiêu không chỉ là hoàn thành tuyến đường dài hơn 1.500 km nối liền hai đầu đất nước, mà còn là thiết lập một chuỗi cung ứng công nghiệp nội địa quy mô lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước.
“Đòn bẩy” lớn cho doanh nghiệp Việt
Phát biểu tại Tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định, dự án đường sắt tốc độ cao được xem là “đòn bẩy” thực sự để doanh nghiệp Việt tiến ra sân chơi lớn.
Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp. Ảnh: Phạm Hưng.
“Việc xây dựng tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia được định hướng như một khu công nghiệp để tất cả các doanh nghiệp Việt Nam có thể vào đó sản xuất ra các sản phẩm đường sắt, cung cấp vật tư phụ tùng cho xây dựng, thông tin tín hiệu, điện và phương tiện vận tải. Sự mở cửa này được kỳ vọng sẽ kích hoạt một chu kỳ phát triển mới cho các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao”, ông Hiệp cho biết.
Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng trong nước có thể đảm nhận khoảng gần 60% khối lượng công việc liên quan đến hạ tầng, trong đó, toàn bộ hệ thống doanh nghiệp sản xuất phụ trợ đi kèm đều có thể tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp liên quan đến đường sắt. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, không chỉ mang tính biểu tượng về hạ tầng mà còn là “phép thử chiến lược” đối với khối kinh tế tư nhân – thành phần được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Là một doanh nghiệp với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng; đơn vị thi công dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn – ga Hà Nội, Giám đốc Kỹ thuật CTCP FECON, ông Hồ Đức An chia sẻ, để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và tham gia sâu hơn vào dự án, Nhà nước cần có cơ chế chỉ định thầu hoặc đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước.

Ông Hồ Đức An – Giám đốc kỹ thuật CTCP FECON. Ảnh: Phạm Hưng.
Cần cho phép doanh nghiệp dựa trên đánh giá sơ bộ về năng lực và tiềm năng, tham gia vào các hạng mục công trình. Hoặc, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thành lập các tổ hợp, liên doanh với đơn vị nước ngoài và quy định tỷ lệ nội địa hóa khi nhận chuyển giao công nghệ.
“Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cụ thể cho các doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư vào công nghệ, cơ sở sản xuất và nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành trong thời gian tới”, ông An nhấn mạnh.
Nhà nước giữ vai trò “bà đỡ” trong chuyển giao công nghệ
Liên quan đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia dự án, ông Chu Văn Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết sẽ phối hợp với Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi để đánh giá năng lực, kinh nghiệm và đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng), ông Chu Văn Tuân. Ảnh: Phạm Hưng
Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là thiết kế cơ cấu gói thầu hợp lý, giúp doanh nghiệp nội có thể tham gia một cách thực chất, từ giai đoạn xây lắp đến cung cấp dịch vụ kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Tuân lưu ý, đây là dự án có yêu cầu rất cao về tính đồng bộ và liên thông kỹ thuật – không chỉ trong thi công mà cả vận hành, bảo trì. Do đó, việc phân chia gói thầu phải đảm bảo vừa mở cửa cho doanh nghiệp Việt, vừa tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và quy định pháp luật về đấu thầu.
“Trong hồ sơ yêu cầu và mời thầu, chúng tôi đặc biệt chú trọng các lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có thế mạnh như xây dựng nền móng, cầu, hầm, công trình phụ trợ… để tư nhân có thể tham gia, học hỏi và nâng cao năng lực công nghệ trong thực tế thi công”, ông Tuân cho biết.
Cũng tại Toạ đàm, ông Tạ Mạnh Thắng, Phó Ban Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt hiện vẫn gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận công nghệ lõi, nhất là các hạng mục kỹ thuật cao. Do đó, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc thiết kế chính sách chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực trong các hợp đồng EPC và PPP.

Ông Tạ Mạnh Thắng, Phó Ban Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Ảnh: Phạm Hưng
“Bên cạnh khung chính sách, điều kiện tiên quyết là bản thân doanh nghiệp tư nhân phải xác định rõ thế mạnh của mình, không chạy theo phong trào. Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ là yếu tố sống còn để tạo sức mạnh tổng hợp, phát triển bền vững trong lĩnh vực hạ tầng công nghệ cao như đường sắt”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và tuyến Hà Nội – Lào Cai, nhu cầu nhân lực cho giai đoạn vận hành là rất lớn, ước tính khoảng 20.000 người. Riêng giai đoạn thi công, có thể cần tới 70.000 – 80.000 lao động, mang lại tác động tích cực tới thị trường lao động và an sinh xã hội.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện đã xây dựng kế hoạch đào tạo riêng cho “đại dự án” này, từ việc nâng cấp nhân lực hiện hữu đến đào tạo mới, cập nhật kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời, Tổng công ty đã ký kết hợp tác đào tạo với Học viện Đường sắt Liễu Châu (Trung Quốc), và đang xúc tiến các chương trình tương tự với Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các trường đại học uy tín trong nước.
Nguồn: VTV