Cùng với tinh thần quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành ứng phó với quyết định áp thuế đối ứng của Mỹ với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đã có những giải pháp để ứng phó nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhiều ngành hàng chủ lực.
Một trong những thị trường chính của Tập đoàn Dệt may Việt Nam là Mỹ, giá trị xuất khẩu tương đương 10% của cả nước vào thị trường này. Việc Mỹ áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam sẽ tác động đến sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, trên thị trường quốc tế, các nước có cạnh tranh trực tiếp mặt hàng này cũng đều gặp khó khăn chung nên doanh nghiệp đã có những tính toán về tổng thể đối với câu chuyện thị trường Mỹ.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Có những quốc gia nhìn thuế suất tăng lên thấp hơn ta nhưng xuất phát điểm hiện nay của họ đang là những nước nghèo, hưởng thuế suất GSP bằng 0. Thực tế, phần trăm tăng thuế của họ lớn hơn ta rất nhiều. Thuế suất tăng lên có khả năng tâm lý người tiêu dùng, tâm lý người mua hàng đều có sự chững lại nhất định. Do thuế tăng nên giá bán lẻ có thể tăng, cầu có thể giảm”.
Dệt may và da giầy luôn nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là thị trường Mỹ
Trong nhiều năm qua, dệt may và da giầy luôn nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là thị trường Mỹ. Trước mức áp thuế mới, ngành hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều kế hoạch.
Bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy túi xách Việt Nam chia sẻ: “Tận dụng các lợi thế các thị trường có FTA vẫn là một trong những ưu tiên của các doanh nghiệp. Thứ hai, với thách thức như vậy, sẽ là một cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc lại quá trình sản xuất”.
Không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp, có nhiều băn khoăn về thuế quan mới nhưng vẫn mong chờ một kết quả hợp lý hơn cho việc áp thuế này.
Ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam nêu ý kiến: “Chúng tôi rất hoan nghênh việc các lãnh đạo Việt Nam đang rất nỗ lực để giải quyết tình hình hiện nay. Tôi hi vọng Việt Nam sẽ tiếp tục có những đàm phán tiếp theo với Mỹ để khắc phục mức thuế mới này. Chúng tôi vẫn tin tưởng Việt Nam là một nơi đầu tư kinh doanh tuyệt vời cho các doanh nghiệp Mỹ cũng như thế giới”.
Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có Công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế trên để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công thương nhận định: “Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, có cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ của Việt Nam”.
Áp lực thuế quan là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt cơ cấu lại, chuyển đổi sản xuất, đồng thời đa dạng hoá thị trường, đảm bảo giữ vững nhịp phát triển.
Nguồn: VTV