Đồng thời, ông John Williams cho rằng, điều quan trọng đối với ngân hàng trung ương Hoa Kỳ là ngăn chặn kỳ vọng dài hạn về áp lực giá cả trở nên mất kiểm soát.
Thuế quan sẽ đẩy lạm phát lên mức 3,5% – 4%
“Thật khó để biết chính xác nền kinh tế sẽ phát triển như thế nào. Với những tác động không chắc chắn của các mức thuế quan mới công bố và các thay đổi chính sách khác, có một phạm vi kết quả rộng bất thường có thể xảy ra”, ông Williams cho biết trong bài phát biểu trước Phòng Thương mại Puerto Rico.
Bà Susan Collins, Chủ tịch Fed Boston, cho biết bà dự báo lạm phát sẽ đạt mức trên 3% trong năm nay. Đây là một trở ngại lớn, bởi mục tiêu của Fed là đưa lạm phát về mức 2% mỗi năm, dựa trên chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi. Tính đến tháng Hai, chỉ số PCE lõi đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Williams, xét đến sự bất ổn liên quan đến động thái áp thuế nhập khẩu lớn đối với nhiều đối tác thương mại của Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump, khởi đầu mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm nay có thể sẽ nhường chỗ cho điều gì đó kém thuận lợi hơn vào năm 2025. Theo ông. Fed sẽ cần theo dõi dữ liệu cẩn thận trong giai đoạn này để biết cách phản ứng với chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, ông Williams dự kiến, mức thuế quan sẽ đẩy lạm phát lên mức từ 3,5% – 4% trong năm nay. Điều này sẽ thể hiện mức tăng đáng kể về áp lực giá so với mức hiện tại của Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), là 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 2. PCE là thước đo lạm phát chính của Fed.
“Sự chậm lại trong tăng trưởng lực lượng lao động do giảm nhập cư và tác động kết hợp của sự bất ổn và thuế quan, tăng trưởng thực tế của tổng sản phẩm quốc nội sẽ chậm lại đáng kể so với tốc độ của năm ngoái và sẽ đạt dưới 1%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức hiện tại là 4,2% lên khoảng 4,5% đến 5%”, ông Williams phân tích.
Ngoài ra, Williams lưu ý rằng ông vẫn cam kết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của Fed. Trong khi kỳ vọng lạm phát ngắn hạn đã tăng, kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn được kiểm soát và điều quan trọng là Fed phải duy trì như vậy.
Triển vọng tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp gia tăng và lạm phát cao hơn nhiều là một viễn cảnh khó khăn đối với Fed vì nó không đưa ra được phản ứng rõ ràng về chính sách tiền tệ.
Phủ nhận tình trạng đình lạm
Mức lãi suất hiện tại của Fed là hợp lý
Ông Williams đã cảnh báo trong các bình luận sau bài phát biểu chính thức của mình rằng dù triển vọng hiện tại có khó khăn đến đâu thì đây cũng không phải là sự lặp lại của những rắc rối trong quá khứ. “Đây không phải là tình trạng đình lạm”, Williams khẳng định.
Ông Alberto Musalem, Chủ tịch Fed St. Louis cho biết, ngân hàng trung ương có thể sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để đối phó với áp lực tăng giá từ thuế quan.
Ông Musalem thừa nhận rằng lạm phát cao kết hợp với nền kinh tế tăng trưởng chậm sẽ đặt Fed vào một tình thế khó khăn.
Thị trường tài chính kỳ vọng một loạt các đợt cắt giảm lãi suất của Fed nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi những rủi ro suy giảm. Ttrong khi các quan chức ngân hàng trung ương Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát. Hầu hết đều cho rằng không thấy lý do cấp bách nào để thay đổi lãi suất chuẩn, hiện đang được đặt trong phạm vi 4,25%-4,50%.
Đặc biệt, ông Williams cho biết: “Chính sách tiền tệ đang ở đúng vị trí để có thể quản lý những rủi ro này tốt nhất có thể và mức độ “hạn chế vừa phải” của chính sách này là phù hợp với mức lạm phát hiện tại”.
Theo ông, mức lãi suất hiện tại của Fed “mang đến cho chúng ta cơ hội đánh giá dữ liệu và diễn biến sắp tới, và cuối cùng là giúp chúng ta có vị thế tốt để điều chỉnh theo những hoàn cảnh thay đổi ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu nhiệm vụ kép của mình”.
Tuy nhiên, theo ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed Chicago, các mức thuế quan có thể đồng thời gây ra lạm phát và đình trệ kinh tế, một hiện tượng được gọi là đình lạm. Ông Goolsbee khẳng định: “Giá cả đang tăng, trong khi việc làm giảm sút và tăng trưởng kinh tế đi xuống. Không có một kế hoạch hoàn hảo nào để ngân hàng trung ương ứng phó với một cú sốc đình lạm như vậy”.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Kansas City, Jeff Schmid cho biết nếu buộc phải lựa chọn giữa kiểm soát lạm phát và bảo vệ thị trường lao động, ông sẽ ưu tiên chống lạm phát. “Ngày càng có khả năng Fed sẽ phải cân nhắc giữa rủi ro lạm phát và các mối lo về tăng trưởng cũng như việc làm trong thiết lập chính sách. Khi đối mặt với sự cân bằng này, tôi sẽ tập trung hoàn toàn vào triển vọng lạm phát”, ông Schmid nói.
Nguồn: VTV